Cú sốc 'ông trùm' đất Thủ Thiêm, bay 4 nghìn tỷ, bị gọi tên cảnh báo

25/03/2022 09:58

Trùm đất Thủ Thiêm CII trở lại xu hướng giảm sau cú sốc mất 50% giá trị. Việc bị cắt margin và bị đưa vào diện cảnh báo là tin xấu tiếp theo đối với DN này. Sóng bất động sản nổi trên sàn không giúp được cổ phiếu này.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) sẽ bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 30/3/ do doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 âm 332 tỷ đồng.

CII ghi nhận khoản lỗ đột biến 375 tỷ đồng trong quý IV/2021. Doanh nghiệp cũng ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 882 tỷ đồng.

Trước đó, cổ phiếu CII cũng đã bị HOSE đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Theo giải trình, tình hình dịch Covid-19 phức tạp, dẫn đến lưu lượng xe lưu thông giảm, qua đó làm giảm doanh thu thu phí các dự án cầu đường. Trong khi đó, các dự án xây dựng của CII phải tạm ngừng hoạt động một thời gian, dẫn đến trễ tiến độ, khiến doanh thu từ kinh doanh bất động sản, xây dựng, duy tu công trình cũng bị suy giảm.

CII ghi nhận hai phiên giảm sau khi tăng 3 phiên liền, theo sóng nhóm cổ phiếu bất động sản và thông tin hai DN trúng thầu tổng cộng khoảng 1,5ha đất Thủ Thiêm (với giá khoảng 500 triệu đồng/m2) hứa không bỏ cọc như Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh.

Cú sốc 'ông trùm' đất Thủ Thiêm, bay 4 nghìn tỷ, bị gọi tên cảnh báo
Nắm giữ nhiều đất Thủ Thiêm nhưng CII ghi nhận kết quả kinh doanh kém.

CII là một doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và gần đây đầu tư nhiều vào bất động sản. DN này có "đất kim cương" ở khu Thủ Thiêm. CII đã được giao khoảng hơn 90.000m2 đất sử dụng ổn định lâu dài và hơn 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng). Đây đều là những khu đất đẹp, dọc bờ sông, công viên, và trục đường Bắc Nam, tiếp giáp với cầu Thủ Thiêm 1.

Mặc dù nắm giữ quỹ đất vàng rất lớn và triển khai nhiều dự án nổi bật nhưng CII ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn trong vài năm gần đây.

Từ đầu năm 2022 tới nay, CII liên tục thoái vốn tại Năm Bảy Bảy (NBB), chuyển từ công ty con thành công ty liên kết. Đây được xem là động thái giúp CII có lợi nhuận trong năm nay sau những biến cố tiêu cực.

Kể từ đỉnh cao hồi đầu năm, cổ phiếu bốc hơi 50% giá trị, từ mức khoảng 58.000 đồng/cp có lúc xuống 26.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa mất khoảng 4.000 tỷ đồng. Gần đây, cổ phiếu này hồi phục nhẹ trở lên lên quanh 33.000 đồng/cp nhưng việc bị đưa vào diện cảnh báo khiến cổ phiếu này lại tiếp tục suy yếu.

Trước Tết Nguyên đán, CII chứng kiến đợt giảm sàn lên tới cả chục phiên sau cú sốc “Tân Hoàng Minh rút khỏi vụ đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm”.

Trước đó, trong vòng khoảng 2 tháng cuối năm 2021, CII tăng vọt từ mức dưới 20.000 đồng/cp lên đỉnh cao 58.000 đồng/cp sau thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá thành công lô đất 10.000m2 tại Thủ Thiêm với giá 2,4 tỷ đồng/m2.

Giá cổ phiếu lên cao, hàng loạt lãnh đạo kịp thoát hàng cổ phiếu CII ngay trước chuỗi giảm kịch sàn chục phiên liên tiếp.

Cú sốc 'ông trùm' đất Thủ Thiêm, bay 4 nghìn tỷ, bị gọi tên cảnh báo
Biến động cổ phiếu CII.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ CII, đã hoàn tất bán ra toàn bộ gần 291 nghìn cổ phiếu CII đang nắm giữ từ 29/11 đến 16/12/2021. Khoảng nửa đầu tháng 11/2021, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII và ông Dương Quang Châu, Giám đốc phòng quản lý dự án hạ tầng CII đã lần lượt bán ra 393 nghìn và 180 nghìn cổ phiếu CII.

Cổ đông lớn đến từ nước ngoài là VIAC (No.1) Limited Partnership "miệt mài" thoái bớt vốn tại CII khi thị giá tăng cao. Tổ chức này bán 13,5 triệu cổ phiếu CII từ tháng 11 tới đầu tháng 1 và gần đây đăng ký bán 5,5 triệu cổ phiếu CII từ ngày 10/1 đến 8/2022.

Sức cầu bắt đáy tăng

Theo VDSC, dòng tiền dường như có xu hướng bắt đáy, thể hiện ở sự phân kỳ giữa giá và khối lượng, đặc biệt khi chỉ số đi theo chiều giảm điểm. Với áp lực cung có phần suy giảm và động thái bắt đáy, VDSC cho rằng thị trường vẫn còn lùi bước nhưng sẽ sớm được hỗ trợ và hồi phục trở lại.

Còn theo YSVN, thị trường chứng khoán có thể quay trở lại đà tăng và VN-Index kiểm định lại mức kháng cự 1.512 điểm trong phiên 25/3. Đồng thời, dòng tiền vẫn đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và giao dịch với quy mô thấp do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa xác nhận xu hướng tăng rõ ràng trong ngắn hạn, trong khi đó dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy chiến lược ngắn hạn chủ đạo là tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.

Chốt phiên giao dịch 24/3, chỉ số VN-Index giảm 4,08 điểm xuống 1.498,26 điểm. HNX-Index tăng 0,7 điểm lên 462,8 điểm. Upcom-Index tăng 0,69 điểm lên 117,27 điểm. Thanh khoản đạt 29,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 24,8 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cú sốc 'ông trùm' đất Thủ Thiêm, bay 4 nghìn tỷ, bị gọi tên cảnh báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO