Jonathan là một cá thể thuộc họ rùa khổng lồ Seychelles, hiện đang sống tại đảo Saint Helena (lãnh thổ hải ngoại thuộc vương quốc Anh, nằm ở Nam Đại Tây Dương). "Cụ rùa" khổng lồ này vừa chính thức đón sinh nhật tuổi 190 vào ngày 4/12 vừa qua.
Chính quyền đảo Saint Helena đã đón chào sinh nhật của "cụ rùa" bằng cách mở cửa cho phép du khách có thể tiếp cận Jonathan để gửi những lời chúc mừng sinh nhật. Một bộ tem thư đặc biệt về Jonathan cũng được phát hành để chào mừng dịp đặc biệt này.
Mặc dù không có tài liệu chính thức nào để chứng minh năm sinh của Jonathan, nhiều người cho rằng Jonathan được sinh vào khoảng năm 1832. "Cụ rùa" này được mang đến đảo Saint Helena vào năm 1882, khi đã được 50 tuổi, như một món quà của Sir William Grey-Wilson cho Hoàng gia Anh.
Theo Bảo tàng Anh ở London, một bức ảnh của Jonathan được chụp trong khoảng từ năm 1882 đến 1886 cho thấy con rùa này đã trưởng thành hoàn toàn, như vậy, nhiều khả năng tuổi thực của Jonathan thậm chí có thể lớn hơn cả con số 190.
Tuổi cao đã khiến rùa Jonathan bị mù và mất khứu giác, nhưng thính giác của "cụ rùa" này vẫn rất tốt. Hiện, rùa Jonathan được các nhân viên chăm sóc cho ăn một lần mỗi tuần để đảm bảo nhận đủ năng lượng. Thực phẩm yêu thích của "cụ rùa" này bao gồm bắp cải, dưa chuột và cà rốt.
Hiện Jonathan đang sống chung trên đảo Saint Helena với 2 cá thể rùa khổng lồ Seychelles khác, bao gồm Emma (cá thể rùa cái) và Fred (cá thể rùa đực).
Joe Hollins, bác sĩ thú y chăm sóc cho Jonathan trong nhiều năm, cho biết dù đã cao tuổi, Jonathan vẫn tràn đầy năng lượng và tâm trạng thay đổi theo thời tiết.
"Vào những ngày thời tiết ấm áp, Jonathan sẽ tắm nắng, khi chiếc cổ dài và đôi chân duỗi thẳng hoàn toàn ra khỏi vỏ để hấp thụ ánh nắng. Khi thời tiết lạnh hơn, Jonathan thích vùi mình trong lá vụn hoặc bụi cỏ và ở đó cả ngày", Joe Hollins chia sẻ.
"Mặc dù đã lớn tuổi nhưng Jonathan vẫn có ham muốn tình dục rất mạnh và thường xuyên giao phối với Emma, thậm chí đôi khi với cả Fred", bác sĩ Joe Hollins cho biết thêm.
Vào ngày 12/1/2022, Sách kỷ lục Guinness đã trao cho Jonathan kỷ lục "động vật sống trên cạn có tuổi thọ cao nhất thế giới". Kỷ lục trước đó thuộc về Tu'i Malila, một cá thể rùa thuộc họ rùa bức xạ (Astrochelys radiata), loài rùa đặc hữu của Madagascar. Tu'i Malila đã sống được 188 tuổi, trước khi bị chết vào năm 1965.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết lý do vì sao những loài rùa cạn như Jonathan hay Tu'i Malila lại có thể sống lâu đến như vậy. Lý giải duy nhất đến nay là các loài rùa cạn có khả năng tiêu diệt và tái tạo các tế bào bị hư hỏng, giúp chúng chống lại các tổn thương của tế bào khi chúng già đi.
Tuổi thọ của Jonathan có thể là "vô địch" trên cạn, nhưng vẫn tồn tại những động vật sống lâu hơn ở dưới nước. Chẳng hạn loài cá mập Greenland (Somniosus microcephalus) có tuổi thọ tối thiểu lên đến 272 năm; hay Hydra, một nhóm động vật không xương sống nhỏ giống sứa, có thể liên tục tái tạo tế bào của chúng và gần như bất tử.
Theo OC/ITN