Tôi là con một, mặc dù là con gái nhưng bố mẹ tôi cũng không có kế hoạch sinh thêm em cho “đủ nếp đủ tẻ”. Cũng bởi vì chỉ có một mình tôi nên bố mẹ luôn cố gắng dành cho tôi những điều tốt đẹp nhất, duy chỉ có một điều mà mọi đứa trẻ đều dễ dàng có được, còn tôi thì không…
Tết ắt hẳn là dịp mà đám trẻ con thích thú nhất. Người lớn có trăm ngàn mối lo âu nên có lẽ cứ khi hết tuổi nhận lì xì thì cũng là lúc người ta không còn quá hứng thú với Tết nữa. Ngay từ nhỏ, tôi luôn không quá mong ngóng đến Tết, nhìn đám bạn cứ hào hứng rồi kể lể cho nhau nghe về chuyện Tết đến sẽ được mua cái này, sẽ được tặng cái kia, tôi cứ thắc mắc mãi vì sao mọi người lại sốt sắng đến như vậy.
Trước khi đến với mẹ tôi, bố từng có một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Họ chưa có con cái với nhau nên chuyện đường ai nấy đi cũng nhanh chóng và gần như không có chút dây dưa nào.
Phải đến 5, 6 năm sau đó, bố tôi mới tái hôn. Mẹ kém bố hẳn 1 con giáp nên có những điều mà người ở thế hệ bố câu nệ nhưng thế hệ của mẹ thì không. Điển hình nhất trong số đó có lẽ là chuyện cưới xin, danh phận.
Tại sao ư? Vì bà nội tôi đã từng tuyên bố chỉ cưới duy nhất một lần cho con trai, điều đó có nghĩa là dù bố mẹ tôi có là vợ chồng hợp pháp thì cũng không bao giờ có được một đám cưới trọn vẹn.
Có lẽ bởi chuyện này mà sau khi ly hôn với vợ đầu, bố tôi luôn bắt đầu chuyện tình cảm bằng việc rõ ràng với đối phương rằng ông không thể cho họ một đám cưới trong mơ. Và mãi phải đến khi bố gặp mẹ tôi, bà chẳng có chút bận tâm nào về chuyện cưới xin, không có cũng chẳng sao hết. Miễn sao vợ chồng có thể sống trọn tình trọn nghĩa với nhau mà thôi.
Đến đây thì ai cũng nghĩ câu chuyện đã có một cái kết trọn vẹn rồi phải không? Nhưng đời luôn thích “drama” và chuyện tréo ngoe thì chẳng bao giờ chừa gia đình nào ra.
Bà nội tôi rất thích con dâu cũ, với bà thì chỉ có một cô con dâu duy nhất được bà công nhận và yêu thương cũng chỉ có thể là cô con dâu cũ mà thôi. Bởi vậy dù mẹ tôi có cố gắng đến đâu thì cũng không thể nào vừa được ý bà.
Vài năm đầu mới về làm dâu, mẹ tôi kiên trì cứ Tết đến lại sắm sửa đủ thứ trên đời để mang về quê biếu bố mẹ chồng nhưng lần nào cũng nhận về những câu nói rỉa róc, so sánh với con dâu cũ của bà hoặc tệ hơn là đuổi tống mẹ tôi về Hà Nội.
Cho đến khi mẹ có bầu tôi, bố không làm sao có thể nhịn được việc bà cứ đả kích vợ mình trong ngày Tết nhất nên ông đã có quyết định mà hiếm có người đàn ông nào có thể làm được. Đó là không bắt mẹ tôi Tết đến phải về nhà chồng nữa. Mẹ tôi cũng không muốn bố phải đứng giữa nặng đầu nên bà cũng gật đầu đồng ý.
Chỉ có điều, bố mẹ thì vẫn mãi là bố mẹ mình, bố tôi không thể làm một đứa con bất hiếu để rồi người ta lại nói ra nói vào rằng vì mẹ tôi mà bố tôi không làm tròn trách nhiệm làm con. Vậy là từ đó cứ đến Tết, bố sẽ về nhà nội ăn Tết, còn mẹ con tôi sẽ ở lại Hà Nội với nhau.
Thời gian đầu, khi các cậu tôi chưa lập gia đình, Tết mẹ sẽ bế tôi về ngoại chơi nhưng đến khi hai cậu đều lấy vợ và có con, việc mẹ tôi dắt con gái lớn đùng về nhà cũng phải hạn chế đi phần nào.
Vậy là khi mới lên 10 tuổi, cái độ tuổi mà đám nhỏ đứa nào đứa nấy đều mong ngóng đến Tết để được nghỉ học, được mua quần áo mới lại còn có bao nhiêu lì xì thì tôi chẳng hứng thú chút nào. Người lớn hay trêu tôi cứ như bà cụ non nhưng thực tế thì Tết nhà người ta quây quần sum họp với nhau, còn nhà tôi thì phải mỗi người một nơi, thử hỏi như vậy làm sao có thể vui vẻ cho được.
Không biết có phải vì bà nội không thích mẹ tôi nên cũng khó mà có tình cảm được với đứa cháu nội là tôi hay không nhưng chưa bao giờ bà hỏi han đến tôi lớn bao nhiêu, học hành thế nào rồi. Không phải không có lúc tôi chạnh lòng nhưng thật ra tôi lại thương mẹ nhiều hơn. Tuy mẹ không nói gì nhưng tôi biết mẹ yêu và thương bố nhiều đến thế nào thì mới có thể hy sinh đến mức này mà chưa từng than vãn nửa lời.
Tết năm nay, bố nói rằng sẽ về quê thăm ông bà trước Tết rồi 30 lại về Hà Nội với hai mẹ con. Tuy mẹ không ý kiến gì nhiều về quyết định này của bố nhưng nhìn cái cách bà tíu tít sắm sửa Tết hơn hẳn mọi năm là tôi biết bà vui mừng đến nhường nào.
Theo phunuvietnam.vn