Tôi xuất thân từ nông thôn, lấy chồng trên thành phố. Lúc mới về làm dâu, bố mẹ chồng đối xử với tôi khá tốt. Tuy nhiên, khi tôi sinh bé đầu được 2 tháng, biến cố ập đến khiến mọi thứ thay đổi hoàn toàn.
Mẹ chồng tôi qua đời trong một vụ tai nạn giao thông và cũng chính tai nạn lần ấy đã cướp đi 1 bên chân của bố chồng. Kể từ đó, ông đi lại khó khăn và cũng thay tính đổi nết khiến tôi rất mệt mỏi.
Dường như bố chồng cho rằng, vợ ông qua đời và ông mất đi 1 phần cơ thể là do tôi đem vận đen tới cho gia đình. Vì thế, bao nhiêu bực dọc trong cuộc sống hay mỗi lần tái phát cơn đau, bố chồng đều trút giận lên đầu tôi.
Khổ sở khi bị bố chồng chì chiết, soi mói chuyện con không được học sinh giỏi. Ảnh minh họa
Ông soi mói, xét nét tôi từng li từng tí một. Kể cả tôi chăm con mọn, bố chồng cũng bắt tôi bế con ra khỏi nhà để ông không phải nhìn thấy mặt. Con tôi khóc, bố chồng mắng tôi không biết trông con, để nó khóc khiến ông nhức đầu. Con tôi chơi vấp ngã, bố chồng đay nghiến tôi không biết làm mẹ, để con bị thâm tím khắp người.
Đi làm đã áp lực mệt mỏi, về nhà gặp bố chồng thường xuyên xỉa xói, "vạch lá tìm sâu" để mắng chửi con dâu khiến tôi vô cùng áp lực. Không dưới 3 lần, tôi đề nghị chồng chuyển ra ngoài ở riêng nhưng anh không đành để bố bệnh tật ở một mình.
Vậy là tôi lại phải cắn răng chịu đựng hết lần này đến lần khác nhưng nỗi ấm ức thì cứ tích tụ dần dần qua năm tháng và cho đến tận bây giờ, khi đã bước sang năm thứ 8 làm dâu, tôi vẫn chưa có ngày nào được bình yên với ông.
Mới đây nhất là vụ con tôi lớp 1 không được học sinh xuất sắc cũng khiến tôi mất ăn, mất ngủ với bố chồng. Khi biết kết quả của con, tôi cũng rất buồn và tiếc cho con vì thực sự, con tôi cũng rất cố gắng trong suốt 1 năm qua. Vợ chồng tôi động viên nhau, con có kiến thức là được, còn thành tích cũng chỉ một phần nên cũng cố cân bằng lại cảm xúc, không gây áp lực thêm cho con.
Tuy nhiên, trái ngược với vợ chồng tôi, từ hôm biết chuyện cháu "đích tôn" không được học sinh xuất sắc, ngày nào bố chồng cũng lôi tôi ra để chì chiết như thể tất cả là lỗi của tôi.
Điều oái oăm là bố chồng luôn nhằm vào đúng bữa ăn để nói. Tôi cứ bưng bát cơm lên, ông lại cất giọng trách móc tôi bỏ bê con cái, để con mới lớp 1 đã "tay trắng" không được thành tích gì.
Dù tôi có giải thích không phải do con học kém (thực tế 2 môn Toán và Tiếng Việt con tôi thi được 9-10 điểm) mà do vướng 2 môn âm nhạc và mỹ thuật chỉ "hoàn thành" nên con không được danh hiệu học sinh giỏi nhưng bố chồng tôi không nghe.
Ông cho rằng tôi ngụy biện cho sự thiếu trách nhiệm với con cái, thậm chí thiếu nhạy bén khi không "chăm sóc" cô.
"Tôi không hiểu chị suốt ngày cắm đầu cắm cổ đi làm làm gì, trong khi có mỗi 1 đứa con cũng lo không xong. Con nhà người ta hết danh hiệu này đến phần thưởng nọ rồi giấy khen treo đầy nhà, đây con nhà này mới lớp 1 đã không được thành tích gì.
Chị nói con chị học tốt, chỉ vướng mấy môn phụ. Giá mà chị nhanh nhẹn hơn một tí thì cháu tôi nó cũng không đến mức thua kém bạn bè. Tôi cũng không phải xấu hổ với hàng xóm như bây giờ".
Chồng tôi có lên tiếng giải thích thêm với bố cũng bị ông gạt đi, ông chỉ nhìn vào kết quả, còn cơ chế tính danh hiệu như thế nào, ông không quan tâm. Trước khi rời khỏi mâm, bố chồng còn đay nghiến tôi: "Nhà này mấy đời đều học giỏi có tiếng mà giờ lại có đứa cháu học dốt. Không biết nó theo gene của ai nữa".
Quả thực, so với những đắng cay, ấm ức mà tôi đã phải chịu đựng từ bố chồng trong suốt những năm qua, thì lần này cũng không phải quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, tôi thật sự quá mệt rồi, không còn muốn tiếp tục cố gắng sống vì người khác thêm nữa.
Tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc. Tôi cũng biết buồn, biết tủi thân chứ đâu phải gỗ đá để cho bố chồng thích xúc phạm thế nào cũng được.
Vợ chồng tôi có kế hoạch năm tới sinh con nhưng cứ cảnh này, có lẽ tôi sẽ phải suy nghĩ lại. Hoặc tôi sẽ phải thuyết phục chồng ra ngoài ở riêng mới có thể thoải mái mà mang bầu, sinh đẻ được.
Tôi nên nói thế nào để chồng đồng ý phương án đó. Và liệu tôi làm vậy có quá đáng với bố chồng bệnh tật hay không?
Theo GĐXH