Khách xếp hàng dài chờ mua ca cao
Nằm khá sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Bình Trọng (quận 5) nhưng quán ca cao bánh mì của dì Tám (tên thật là Nguyễn Thị Hòa, 69 tuổi, quê gốc ở Long An) ngày nào cũng khá nhộn nhịp. Nói là quán nhưng thực ra chỉ là chiếc xe đẩy, một vài cái bàn, ghế nhựa để cho khách ngồi.
“Con ăn ngọt hay đắng?” là câu nói thường trực mà dì Tám luôn với khách hàng. Biết tôi lần đầu ghé lại, dì còn nhắc “không quen ăn đắng không biết con có ăn được không” .
Khi mới nghe đến món “ca cao đá” này bản thân tôi nghĩ đến món nước ca cao pha sẵn uống liền, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Với đôi tay thoăn thoắt, dì Tám múc vào ly đá đập nhỏ nước ca cao. Sau đó, dì lấy muỗng múc thêm một muỗng đầy hỗn hợp ca cao đặc.
Để có những muỗng ca cao đặc quánh và thấm đậm sự ngọt thơm béo ngậy này, hàng ngày dì Tám phải thức dậy nấu từ 3h sáng. “Nấu cái này cũng không phải công thức gì, chỉ là nấu ca cao cùng đường thốt nốt cho kẹo lại là được", dì Tám cho biết.
Dì Tám nói thêm, ca cao tươi được nấu bằng cách trải đều đường thốt nốt và ca cao sao cho nó chồng lớp lênnhau, cứ vậy cho đến khi đầy cái nồi nấu rồi sau đó thắp một cây nhang dài gần một sải tay để canh thời gian nấu.
Mỗi ngày, vào lúc 7h sáng, gánh hàng được dì Tám dọn ra để bán sớm cho học sinh và người dân trong chung cư. Đến 10h sẽ có người chị họ dì Tám ra đứng bán phụ để dì về nhà nghỉ ngơi cũng như chuẩn bị cho bán buổi tối. Đến 22h, dì Tám mới dọn hàng và về nhà nghỉ để đến 3h hôm sau thức dậy nấu những mẻ ca cao đầu tiên trong ngày.
Mỗi phần ca cao đá có giá là 15 ngàn đồng kèm theo một ổ bánh mì. Theo chúng tôi chứng kiến, từ khoảng 15h - 17h, hàng ca cao đá này có hơn 100 lượt khách xếp hàng để mua.
Lượng khách đông giúp dì Tám có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Khi chúng tôi hỏi về thu nhập, dì Tám cười và cho biết chỉ đủ ăn thôi, đủ nuôi sống gia đình.
Bươn chải nuôi chồng khiếm thính và 3 con
Tâm sự với chúng tôi, dì Tám cho biết trước khi đến với nghề bán ca cao, dì Tám cũng đã trải qua nhiều nghề khác nhau để nuôi chồng và 3 con. Tính đến nay, hơn 30 năm, dì làm làm trụ cột kinh tế cho gia đình vì người chồng không may bị tai nạn.
"Năm 1980, chồng tôi đi đào khoai mì vô tình đào trúng mìn nên bị nổ mù mắt, hiện sống ở quê một mình. Giờ thì tôi ráng làm để có tiền gửi về quê nuôi ổng”, dì Tám chia sẻ.
Giai đoạn đó 3 đứa con còn nhỏ, mọi gánh nặng đè hết lên vai dì Tám. Buổi sáng, dì Tám đi bán canh bún, buổi chiều đi phụ việc nhà cho bà Ba bán ca cao.
"Bà Ba ngày xưa đi ở đợ cho một gia đình ở bên Campuchia. Gia đình đó bán ca cao rồi họ dạy nghề lại cho bà Ba, sau này bà Ba về Sài Gòn mở bán món này, người ta kéo tới ăn đông lắm. Nhiều người đem cả cây vàng tới xin học nghề, mà bà không truyền nghề", dì Tám kể.
Thấy dì Tám buôn gánh bán bưng nuôi chồng con, bà Ba thương nên tạo cơ hội cho học nghề. Bà Ba chỉ làm để dì Tám tự nhìn tự nhớ. Lâu dần rồi thành nghề. Một thời gian sau bà Ba lớn tuổi nên nghỉ bán, dì Tám thay bà Ba duy trì món ăn độc đáo này ở Sài Gòn.
Hiện tại, dì Tám chưa có ý định truyền nghề này cho người ngoài. Vì để có được công thức làm ly ca cao đá thu hút bao người như hiện tại, dì Tám đã bỏ rất nhiều công sức để thử nhiều cách nấu khác nhau để ra được công thức như hiện tại.
Dì Tám tâm sự: “ Giờ con cái thì lớn hết rồi, Tám cũng lớn tuổi rồi, chắc cũng ráng bán thêm vài năm nữa rồi về quê ở với ông cho có người quây quần tuổi xế chiều”.
Trải qua thời gian, gánh ca cao đá của dì Tám đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân trong chung cư chợ Quán cũng như các bạn học sinh, sinh viên trong khu vực Trần Bình Trọng (quận 5). Những ly ca cao đá đã trở thành một dấu ấn tuổi thơ cho những ai đã một lần gắn bó với nó, với nụ cười và những câu nói bông đùa của dì Tám.
“Sau giờ học em hay đến khu này ăn, nghe bạn bè nói về món bánh mì ca cao của dì Tám nên hôm nay em chạy qua ăn thử. Em cảm thấy món này khá là ngon, đặc biệt khi ăn cùng với bánh mì sau khi ăn có cảm giác lạ lạ miệng”, bạn Thái Quang Lâm, ngụ tại quận 8 chia sẻ.
Bạn Nguyễn Vũ Anh Thư, ngụ tại quận Phú Nhuận có nhận xét: “Bình thường em hay dùng bánh mì ăn với các đồ nóng như phá lấu thôi. Đây là lần đầu tiên em ăn bánh mì với ca cao đá, em thấy món này khá là ngon và giá cả ở đây khá là hợp lý, phù hợp với sinh viên tụi em”.