Cứ 8 người mắc COVID-19 thì lại có một người xuất hiện ít nhất một triệu chứng COVID-19 kéo dài.
Đây là kết quả nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến nay về COVID-19 kéo dài mới được công bố ngày 4/8.
Với hơn 580 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới kể từ khi dịch bùng phát cuối năm 2019, ngày càng nhiều người lo ngại về những triệu chứng bệnh dai dẳng ở những người mắc COVID-19 kéo dài.
Tuy nhiên, hầu như chưa có nghiên cứu nào so sánh giữa những người chịu đựng các triệu chứng COVID-19 kéo dài và những người chưa từng mắc bệnh để có thể phát hiện những vấn đề sức khỏe không phải do virus gây ra.
Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, các tác giả nghiên cứu mới công bố trên tạp chí The Lancet đã tiến hành khảo sát hơn 76.400 người trưởng thành ở Hà Lan về 23 triệu chứng COVID-19 kéo dài thường gặp.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2021, mỗi người tham gia được yêu cầu điền câu trả lời khảo sát 24 lần. Trong khoảng thời gian này, hơn 4.200 người (5,5%) đã bị mắc COVID-19.
Trong nhóm mắc COVID-19 lại có hơn 21% xuất hiện ít nhất 1 triệu chứng mới hoặc nghiêm trọng hơn sau 3-5 tháng mắc bệnh. Tuy nhiên, gần 9% trong nhóm không mắc COVID-19 cũng ghi nhận những diễn biến tương tự. Do đó, nghiên cứu cho rằng có 12,7% những người mắc COVID-19 (1/8) chịu những triệu chứng kéo dài sau khi mắc COVID-19.
Nghiên cứu cũng ghi lại những triệu chứng trước và sau khi mắc COVID-19, cho phép các chuyên gia tiếp tục tìm hiểu chính xác hơn những triệu chứng liên quan virus. Theo đó, những triệu chứng thường gặp ở người mắc COVID-19 kéo dài gồm đau ngực, thở khó, đau cơ, mất khứu và vị giác, choáng váng.
Một trong những tác giả nghiên cứu, chuyên gia Aranka Ballering từ Đại học Groningen (Hà Lan), đánh giá COVID-19 kéo dài là vấn đề khẩn cấp, có ảnh hưởng đáng kể tới nhân loại.
Bằng cách phân tích những triệu chứng từ một nhóm đối chiếu không mắc COVID-19 và ở những cá nhân trước và sau khi nhiễm virus, nhóm nghiên cứu có thể xác định được những triệu chứng có thể không trực tiếp liên quan virus nhưng mà lại là hậu quả của đại dịch như tình trạng sa sút tinh thần do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế hoặc cuộc sống bấp bênh.
Các chuyên gia Christopher Brightling và Rachael Evans, từ Đại học Leicester (Anh), cho rằng nghiên cứu mới tiến bộ hơn so với những công trình trước cùng nghiên cứu về COVID-19 kéo dài vì đã tiến hành thu thập dữ liệu và so sánh với nhóm không mắc bệnh./.