Trong chiến dịch ra quân kiểm tra nồng độ cồn của Công an TPHCM, một số tài xế khi phát hiện tổ công tác liền lái xe bỏ chạy.
Khi cảnh sát giao thông (CSGT) đuổi kịp, dừng được phương tiện, các tài xế liền trốn tránh bằng cách chạy bộ bỏ trốn, để lại xe gây khó cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Bỏ xe, chạy bộ trốn CSGT
Tối 1/3, người đàn ông lái xe máy tại khu vực vòng xoay Hòa Bình (quận 11) chở theo cô gái có biểu hiện nghi vấn liền bị tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận 11 ra tín hiệu kiểm tra.
Người này không chấp hành, lái xe tăng tốc chạy vào chung cư 312 Lạc Long Quân. Khi CSGT đuổi kịp, tài xế đã để lại xe, chạy bộ quanh chung cư tìm cách bỏ trốn.
Khoảng 10 phút sau, nhờ sự hỗ trợ của Công an phường 5 (quận 11) tài xế này mới được giữ lại. Tuy nhiên, anh này không chịu thổi máy đo nồng độ cồn mà tiếp tục chạy lên căn hộ chung cư khóa cửa trốn tránh.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tối 10/3, anh P.T.N. (SN 1989) trong lúc lái xe trong hẻm ở khu vực phường 5 (quận 11) cũng bị CSGT dừng xe kiểm tra, phát hiện nồng nặc mùi bia.
CSGT đã lái xe chở anh này về trụ sở Công an phường 5 trên đường Ông Ích Khiêm để kiểm tra nồng độ cồn. Vừa đến trụ sở, anh N. vội xuống xe bỏ chạy bộ, một cán bộ CSGT đuổi theo giữ lại nhưng không kịp.
CSGT đã lái xe đặc chủng theo một đoạn hơn 400m mới giữ được tài xế N., đưa trở lại trụ sở. Tại đây, nam tài xế có nồng độ cồn mức 0,564mg/lít khí thở, bị tổ công tác lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng.
CSGT xử lý thế nào?
Đây là 2 trong số nhiều trường hợp tài xế gây khó CSGT trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn. Vậy, khi tài xế cố tình trốn tránh việc kiểm tra, CSGT phải xử lý thế nào để đúng quy định.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận 1 (TPHCM) nhìn nhận có xảy ra một số trường hợp tài xế chạy bộ khỏi chốt, bỏ lại xe khi bị kiểm tra nồng độ cồn.
Theo lãnh đạo đội CSGT, trường hợp này tổ công tác sẽ lập biên bản vi phạm hành chính tài xế lỗi không chấp hành đo nồng độ cồn. Sau đó, CSGT sẽ dựa vào biển số để xác minh chủ xe, người vi phạm, gửi thông báo đến họ, mời lên làm việc.
Nếu chủ xe hoặc người vi phạm không lên trụ sở làm việc, CSGT sẽ xử lý theo quy định tang vật vi phạm hành chính. "CSGT sẽ thông báo, đăng báo, xác minh gửi thư mời đến chủ phương tiện một số lần. Nếu chủ xe vẫn không lên, phương tiện này sẽ bị tịch thu", vị cán bộ nói.
Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận 1 khuyến cáo, khi bị kiểm tra nồng độ cồn, người dân nên chấp hành để đảm bảo quyền lợi cho mình. Nếu máy không phát hiện nồng độ cồn, người dân tiếp tục hành trình. Nếu phát hiện nồng độ cồn, máy sẽ báo thứ tự 3 mức vi phạm, tài xế sẽ đóng phạt theo mức tương ứng.
"Nếu không chấp hành, tài xế phải chịu mức phạt cao nhất. Trường hợp chủ xe bỏ luôn phương tiện, CSGT sẽ lưu trữ hồ sơ lên hệ thống dữ liệu. Nếu họ có mua xe mới cũng sẽ gặp trở ngại trong việc đăng ký xe", vị này cho biết.