CSGT mặc thường phục phát hiện vi phạm: Đâu phải bắt tội phạm mà cải trang!

21/10/2022 09:25

Nhiều ý kiến cho rằng, vai trò, trách nhiệm của CSGT là tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, chứ không phải bắt tội phạm mà cần phải cải trang.

Bộ Công an mới công bố dự thảo lần 2 Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung, quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT để lấy ý kiến trong 2 tháng, từ giữa tháng 10.

Trong đó, Bộ Công an đề xuất lực lượng CSGT được bố trí cán bộ mặc thường phục để dùng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm. Khi phát hiện, CSGT mặc thường phục báo ngay cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục công an, đeo số hiệu xử lý…

Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm và tranh luận của độc giả, trong đó phân chia rõ luồng quan điểm đồng tình hay còn băn khoăn ở nhiều khía cạnh.

CSGT mặc thường phục phát hiện vi phạm: Đâu phải bắt tội phạm mà cải trang! - 1

Có ý kiến cho rằng, vai trò - trách nhiệm của CSGT là tuyên truyền, nâng cao ý thức của người điều khiển giao thông và hỗ trợ giao thông khi cần thiết chứ không phải cải trang bắt tội phạm như cảnh sát hình sự (Ảnh: Bộ Công an).

Việc làm cần thiết, giúp nâng cao ý thức tham gia giao thông

Nhiều độc giả đồng tình với đề xuất trên của Dự thảo và đưa ra những lý do để ủng hộ như: "Quyết định rất tuyệt vời tôi hoàn toàn ủng hộ, có như vậy mới ngăn chặn từ đầu các vi phạm được. Tôi thấy một số chốt bắn tốc độ nếu CSGT mặc thường phục thì một số người vi phạm sẽ quan sát được và báo nhau đối phó gây khó cho công tác xử lý. Còn nếu mặc thường phục hóa trang, thì sẽ bắt "lõng" hành vi vi phạm. Bản thân mình nếu đi đúng thì không có gì phải lo lắng chuyện cảnh sát có hóa trang hay không, điều này giúp nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông", một độc giả nêu quan điểm.

"Tôi thấy nên như thế! Người dân mình phần đa chỉ quan tâm chỗ nào CSGT hay chốt làm nhiệm vụ thì né, còn những chỗ không có thì ý thức rất tệ, có những thành phần chạy ẩu, lạng lách đánh võng bất chấp nguy hiểm cho người khác, đường giống như của riêng một mình họ vậy. Trước khi sử dụng phương tiện giao thông, ai cũng từng được học luật giao thông và các biển báo rồi nên cá nhân mình cứ chấp hành tốt thì không phải sợ CSGT mặc thường phục hay đồ dân sự cả".

"Ủng hộ, phải làm thật chặt chẽ, gắt gao thì ý thức tham gia giao thông của người dân mới lên cao được, ở nước ngoài người ta áp dụng lâu rồi. Ở Việt Nam giờ cứ trụ đèn giao thông nào có CSGT thì dân đi đúng đường đúng làn; còn trụ nào không có là vượt ẩu liên tục. Đến khi hình thành văn hóa giao thông rồi tự nhiên những việc như thế này không cần triển khai nữa".

Bên cạnh ý kiến đồng tình tuyệt đối, nhiều độc giả cũng đưa ra một số đề xuất để người dân có thể nhận diện đó là CSGT hóa trang, tránh hiện tượng kẻ gian giả danh CSGT làm hại người tham gia giao thông.

"Mình rất chấp hành luật giao thông nên ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, cũng phải có phương án cho phép người dân ghi hình và được xem văn bản cũng như kế hoạch làm việc rõ ràng của lực lượng CSGT. Điều này sẽ tránh tiêu cực phát sinh, vì nếu nói mặc thường phục làm việc thì khoản bắn tốc độ bên giao thông đã làm từ lâu rồi".

"CSGT mặc thường phục tác nghiệp cũng được. Nhưng để bảo vệ người dân, cần hạn chế ở một số quyền hành của lực lượng này để tránh kẻ xấu lợi dụng giả danh rồi trục lợi. Ví dụ khi mặc thường phục thì bắt buộc phải xuất trình thẻ ngành hay bằng chứng giấy tờ nào đó với người dân để xác minh".

"CSGT có thể hóa trang mặc thường phục để xử lý người vi phạm và phải dùng phương tiện, thiết bị đặc biệt của ngành Công an để phân biệt và cho người dân dễ nhận biết và chấp hành. Ví dụ như cảnh sát ngồi trên xe bình thường nhưng bên trong xe trang bị các thiết bị để phát tín hiệu thông báo cho người vi phạm để họ chấp hành và xử lý vi phạm. Các nước phát triển họ đã làm như thế và rất hiệu quả".

"Vi phạm giao thông là vi phạm hành chính, không nên hóa trang như bắt tội phạm"

Nhiều ý kiến độc giả cho rằng, vai trò - trách nhiệm của CSGT là tuyên truyền, nâng cao ý thức của người điều khiển giao thông và hỗ trợ giao thông khi cần thiết. Còn nghiệp vụ hóa trang, cải trang… là của cảnh sát hình sự phục vụ việc truy bắt tội phạm, nên việc này với CSGT không cần thiết.

"Rồi người dân tham gia giao thông ban đêm hay những đoạn vắng, bỗng có người mặc thường phục ra dấu dừng xe thì người dân có dừng không? Nếu họ là CSGT thật mặc thường phục thật mà dân không dừng thì là vi phạm không tuân thủ. Nhưng nếu dừng lại mà đó là kẻ gian giả dạng thì tài sản và cá nhân người dân có mệnh hệ gì ai chịu trách nhiệm?"

Lo ngại này cũng đã được nhiều độc giả giải đáp rằng, dự thảo nêu rất rõ "CSGT mặc thường phục chỉ có nhiệm vụ ghi hình, giám sát, không được dừng phương tiện hay xử lý sai phạm". Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được hết luật lệ, quy định để hiểu được điều đó.

Một ý kiến được nhiều người đề xuất, đó là thay vì để CSGT hóa trang, Bộ Công an cần tăng cường bố trí camera nhiều hơn để phạt nguội, sẽ hiệu quả hơn vì người tham gia lưu thông không thể đối phó và tránh tiêu cực khi làm việc trực tiếp với cảnh sát. Việc này cũng giảm nguy hiểm cho người tham gia giao thông, trong trường hợp CSGT cố đuổi bắt người vi phạm.

"Dù sao vi phạm giao thông là vi phạm hành chính, không nên dùng nghiệp vụ hóa trang... Khi CSGT dùng nghiệp vụ này thì dễ phát sinh tiêu cực, khi người tham gia giao thông thấy có thể xin, nhờ vả được thì lại nhờn luật. Vì vậy, tại mỗi chốt CSGT cần có camera ghi hình trực tiếp (live) chắc chắn không còn tiêu cực", một độc giả nêu quan điểm.

CSGT mặc thường phục phát hiện vi phạm: Đâu phải bắt tội phạm mà cải trang! - 2

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng đội, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Nói về băn khoăn này, Luật sư luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, quy định này có thể dẫn đến một số bất cập nhất định trong quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật.

Cụ thể, trường hợp CSGT thực hiện việc giám sát, phát hiện vi phạm thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này khiến cho công tác xác minh, xử lý vi phạm mất thêm nhiều thời gian hơn so với việc kiểm soát và xử lý công khai, trực tiếp, từ đó không phát huy được tính nhanh chóng, kịp thời khi xử lý vi phạm của lực lượng CSGT.

Chưa kể đến, quá trình xử lý, giám sát thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thông qua máy móc, thiết bị kỹ thuật không thể mang lại kết quả chính xác tuyệt đối, hoặc có hỏng hóc, trục trặc xảy ra đối với máy móc trong quá trình vận hành và tác động đến tính chính xác của kết quả.

Đồng thời, đây có thể sẽ là một kẽ hở để cho kẻ xấu lợi dụng, giả dạng công an nhằm thu lợi bất chính, trong khi đó người dân không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Như vậy tính thực thi pháp luật nghiêm minh, dù người dân và cảnh sát rất muốn trong trường hợp này là rất thấp".

Từ những phân tích nêu trên, luật sư Tiền cho rằng: "Cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam để ban hành và áp dụng đề xuất đó".

Luật sư cũng cho biết thêm, vấn đề không nằm ở hình thức của sự việc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta nói chung và trong lĩnh vực giao thông đường bộ có thể coi là khá đầy đủ, chặt chẽ, chúng ta không thiếu quy định, cũng không thiếu chế tài xử phạt. Nhưng thực tế chúng ta đang thực hiện không nghiêm túc, hoặc cố tình để xảy ra "hiệu ứng nhờn thuốc" đối với luật pháp, điều này mới khiến cho sự răn đe của luật pháp không phát huy được tác dụng.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc mặc thường phục khi làm nhiệm vụ là của Cảnh sát hình sự nhằm bắt giữ tội phạm hình sự. CSGT là hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành luật giao thông đồng thời hỗ trợ giao thông khi cần thiết. Ra đường thấy có bóng dáng CSGT người dân sẽ yên tâm hơn.

"Theo cá nhân tôi CSGT cứ công khai mà làm việc, tăng cường lắp đặt nhiều camera giám sát, trưng dụng các hình ảnh camera của người dân. Thậm chí ngành công an cần tính đến chuyện trả phí cho các hình ảnh phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự. Có như thế mới tận dụng được nguồn lực trong dân và khuyến khích tự giác", nữ Luật sư cho biết.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    CSGT mặc thường phục phát hiện vi phạm: Đâu phải bắt tội phạm mà cải trang!
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO