CPI từ bàn ăn đến bàn nghị sự

04/07/2022 23:30

Cuối tuần vừa qua, tôi lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi đến thăm gia đình một người quen. Trong bữa ăn, ông chồng nói bâng quơ là lạm phát có tí ti thế mà dân tình cứ gào lên, chả ra làm sao.

Nghe vậy, người vợ bắt đầu gào toáng lên thật. Sau khi kể lể giá dưa cà mắm muối đã tăng cao vút lên như thế nào, bà ấy đay nghiến: “Ông như người giời! Ông ra chợ mà xem lương của ông có đủ nuôi nhà này không, có đủ cho hai con học không! Hay là ông đi chợ thay tôi để thấy tôi khổ thế nào”.

Bà vợ vốn là người điềm đạm nhưng bỗng nổi nóng lên thì chắc là có chuyện rồi. Có lẽ, câu hỏi “ăn gì hôm nay” ám ảnh bà ấy quá trong thời gạo châu củi quế này.

Cũng cần thông cảm với bà ấy và hàng triệu phụ nữ khác - những người giữ tay hòm chìa khóa gia đình - khi giá cả hàng hóa đã tăng chóng mặt. Mà đâu chỉ dưa cà mắm muối, nào tiền học, tiền viện, tiền xăng đều đã lên một mặt bằng mới và chưa dừng lại.

Nhưng ông chồng không phải không có lý. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng vỏn vẹn 2,44%, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Một mức tăng nhỏ giọt, khác xa những gì diễn ra trong cuộc sống.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44%, lạm phát cơ bản tăng 1,25% - khác xa những gì diễn ra trong cuộc sống. Ảnh: Hoàng Hà.

Cuối tuần trước, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp đã gửi báo cáo đến Thủ tướng nêu hàng loạt khó khăn, trong đó nổi bật nhất là biến động giá cả vật liệu quá lớn.

Tính từ cuối năm 2020, đầu 2021 đến nay, giá thép đã tăng từ 20-60%; giá xi măng tăng từ 1.400đ lên 1.980đ/kg; nhựa đường từ 11.000đ lên 15.500đ/kg… Ông Hiệp cho biết, tất cả các loại vật liệu đều tăng cao, làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18-30%. Trước thách thức này và các thách thức khác, các doanh nghiệp xây dựng “thật sự đang đối mặt nguy cơ tàn lụi dần”.

Mà tiếng kêu này là từ khắp các hiệp hội doanh nghiệp. Nó được đồng vọng ở khắp các diễn đàn, hội thảo, báo chí. Chỉ có điều, tiếng kêu này không được thể hiện trong mức tăng CPI của Tổng cục Thống kê.

CPI đi ngược mọi dòng chảy

Nền kinh tế Việt Nam mở nhất thế giới, những biến động trên thị trường thế giới luôn tác động ngay lập tức đến thị trường trong nước. Ấy vậy mà chỉ số CPI lại đi ngược với lạm phát kỷ lục đang càn quét ở các thị trường mà Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ như Mỹ, EU, Nhật Bản…

IMF dự báo, trong năm nay, dự báo lạm phát là 5,7% ở các nền kinh tế phát triển; 8,7% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cao hơn 1,8 và 2,8 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng hồi đầu năm nay.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu đã cao kỷ lục mọi thời đại liệu có thể hiện trong chỉ số CPI? Thuế VAT cho xăng dầu lại chồng thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt rất vô lý cho xăng dầu tạo ra một vòng xoáy về giá.

Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu tăng 10% làm chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Giá xăng dầu cao kỷ lục liệu có thể hiện trong chỉ số CPI? Ảnh: Hoàng Hà.

Hơn nữa, Trung Quốc thực hiện "Zero Covid" rất nghiêm ngặt, làm cho chuỗi cung ứng, sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chưa biết khi nào mới nối lại được.

Đặc biệt, CPI và lạm phát thấp như thế thì giải thích làm sao với giá tiền đồng cao vậy? Báo chí phản ánh, lãi suất huy động ở không ít ngân hàng thương mại đã vọt lên quanh 7-7,3%. Một nhà làm ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay hiện nay đã tăng lên đến 10-12% ở một số ngân hàng, chưa kể 2-3% chi ngoài trong một số trường hợp.

Bên cạnh đó, còn hàng loạt các yếu tố gây lạm phát khác như tăng trưởng tín dụng tới 17,09%, cung tiền lên tới hơn 180% GDP, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hay nói cách khác, các yếu tố chi phí đẩy, cầu kéo, cung tiền… đã biến động rất cao thời gian qua đều không tác động đến CPI?

PGS.TS Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô thuộc Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng con số lạm phát 6 tháng tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước “không phản ánh đúng giá cả thực tế”.

"Con số thống kê không đúng, không sát thực tế, không có giá trị tham khảo. Con số này cũng không giúp nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết sách phù hợp, thậm chí còn làm xấu đi khả năng hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước", ông Thế Anh được báo Tuổi Trẻ trích dẫn nói.

Thất bại trong điều hành vì số liệu

Số liệu thống kê là rất quan trọng trong điều hành. Xin kể lại một ví dụ cách đây 15 năm.

Năm 2007, sau khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam bùng nổ, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18-22% so với năm 2006. Đến cuối năm, cơ quan này báo cáo tăng trưởng tín dụng 34%, tăng cao hơn so với mục tiêu.

Trước thực tế là CPI tăng quá cao 12,6%, Vụ trưởng Vụ Tài chính Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quốc Lý nghi ngờ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng nên tính toán lại thì ra con số khác hẳn. Ông báo cáo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, tăng trưởng tín dụng trong năm 2007 lên đến 57,53% so với 31/12/2006. Ông Phúc đã lấy con số này để đưa vào báo cáo chính thức của Chính phủ.

Con số tăng trưởng tín dụng năm 2007 qua các báo cáo là một ví dụ điển hình đầy đau thương cho điều hành nền kinh tế. Nó gây ám ảnh đến mức, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng còn phải nhắc lại nó tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua.

Kể lại câu chuyện này để thấy con số vĩ mô quan trọng như thế nào trong việc chỉ đạo, điều hành. Có bắt đúng bệnh mới có thuốc chữa, có vắc xin phòng bệnh phù hợp.

Nếu không, khi lạm phát đã tăng cao, bất ổn vĩ mô xuất hiện là cực kỳ khó xử lý. Đợt lạm phát, bất ổn vĩ mô từ 2007 vẫn còn kéo dài đến hiện nay, thể hiện qua lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn cao bậc nhất khu vực vì các tổ chức tài chính phải trích lập dự phòng cao, trả dần những món nợ xấu hay chuyện các ngân hàng 0 đồng đến nay vẫn lay lắt.

Ấy vậy mà kỳ vọng lạm phát của dân đã bắt đầu từ lâu với lan đột biến, chứng khoán và nhà đất tăng cao. Kỳ vọng đó lại được kích thích nữa với các yếu tố nào tăng lương, nào gói hàng trăm ngàn tỷ phục hồi kinh tế, nào đầu tư công tăng vọt cho xây dựng cao tốc Bắc - Nam, Long Thành, vành đai 3, 4 ở TP.HCM và Hà Nội.

Có một số liệu của thống kê cần nhắc lại. Trong năm 2021, thu nhập bình quân của người dân thành thị là 5.388.000 đồng/tháng (hay 7,8 USD/ngày), của người dân nông thôn đạt khoảng 3.486.000 đồng/tháng (hay 5 USD/ngày), thu nhập bình quân là 4.205.000 đồng/người/tháng (hay 6 USD/ngày).

Đó là tiền tươi, thóc thật, là tiền mua thức ăn, tiền đóng học, tiền viện… Với thu nhập thực như vậy thì những bà nội trợ như người quen của tôi kể trên làm sao có thể thu vén chi tiêu nổi, dù đã cực kỳ chắt chiu. Nỗi lo của họ là thực và tất nhiên, không có trong các bảng báo cáo thống kê.

Tư Giang - Lan Anh 

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cpi-tu-ban-an-den-ban-nghi-su-2036219.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/cpi-tu-ban-an-den-ban-nghi-su-2036219.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
CPI từ bàn ăn đến bàn nghị sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO