Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 376.322.984 người, 61.120.589 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 72.549 ca nguy kịch.Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 9/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 449.368.927 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.033.022 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.482.246 và 5.764 ca tử vong mới.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 202.714 ca; Đức đứng thứ hai với 193.013 ca; tiếp theo là Việt Nam (162.435 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 851 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga 652 ca và Đức với 583 ca.
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 80.998.258 người, trong đó có 986.958 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.971.308 ca nhiễm, bao gồm 515.241 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.138.362 ca bệnh và 652.829 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 161,5 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 122 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,4 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 54,87 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 11,56 triệu ca và châu Đại Dương trên 3,94 triệu ca nhiễm.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN |
Chuyên gia y tế Mỹ: Khó xóa sổ dịch COVID-19
Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo đại dịch COVID-19 khó có thể sớm bị loại bỏ, do đó người dân cần phải tiếp tục linh hoạt áp dụng đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách nếu số ca nhiễm tăng cao trong khu vực sinh sống của mình.
Lời cảnh báo trên được đưa ra dù số ca mắc mới COVID-19, nhập viện và tử vong đang có xu hướng giảm trên khắp nước Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết số ca nguy kịch đã giảm từ 1.200 của ngày 24/2 xuống 472 ca vào ngày 3/3. Dữ liệu của CDC cũng cho thấy hơn 90% dân số Mỹ sống tại các khu vực có mức độ lây nhiễm cộng đồng COVID-19 thấp hoặc trung bình. Tuy nhiên, CDC lưu ý rằng đến vào ngày 7/3, còn khoảng 35% công dân Mỹ vẫn chưa được tiêm đầy đủ vaccine.
Báo cáo của CDC cũng nhấn mạnh khoảng 3% dân số Mỹ, tương đương khoảng 9 triệu người, bị suy giảm miễn dịch và dễ mắc bệnh nặng dù sống ở khu vực địa lý nào.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyên gia dịch tễ học của bệnh viện NYC Health +, Syra Madad, khuyến cáo dù mức độ lây truyền trong cộng đồng thấp cũng không có nghĩa là nguy cơ bùng phát dịch bệnh bị loại bỏ hoàn toàn. Theo chuyên gia này, ở những khu vực được coi là có mức lây nhiễm cộng đồng cao, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch đã được khuyến cáo. Ở những khu vực có cấp độ lây nhiễm thấp hoặc trung bình, đeo khẩu trang và thực hiện giữ khoảng là những cách giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân.
Mắc COVID-19 nhẹ cũng ảnh hưởng tới não
Một nghiên cứu hình ảnh mới đây chỉ ra những tác động do mắc COVID-19 thể nhẹ với não bộ. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các hình ảnh chụp cắt lớp não bộ của hàng trăm người trước và sau khi bị mắc COVID-19. Kết quả cho thấy COVID-19 tác động “đáng kể” và “có hại” tới não bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo hiện chưa rõ những thay đổi này có dẫn tới những suy giảm nhận thức lâu dài hay không.
Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí khoa học Nature, tổng hợp và phân tích dữ liệu từ dự án theo dõi sức khỏe của 500.000 người tham gia tại Anh. Các nhà nghiên cứu tập trung vào dữ liệu của 401 người, có hình ảnh não bộ được chụp trước và sau khi mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết những phân tích chỉ ra tác động “đáng kể” và “có hại” của virus SARS-CoV-2 đối với não bộ. Tác động được nhận thấy chủ yếu ở hệ thống limbic (nhóm các cấu trúc liên kết nằm sâu trong não bộ, có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người) và khứu giác. Ngoài ra, trong nghiên cứu hình ảnh mới, các chuyên gia phát hiện khả năng những thay đổi trong não bộ do nhiễm COVID-19 có thể dẫn tới hoặc đẩy nhanh tình trạng sa sút trí tuệ theo tuổi tác. Dù các nhà nghiên cứu không phát hiện trình trạng suy giảm trí nhớ ở các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ, nhưng chức năng điều hành của não bộ có suy giảm, trong đó có phản ứng nhận thức chung chậm đi.
hân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Coral Gables, gần Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Các nhà nghiên cứu cũng đã so sánh hình ảnh não bộ của các bệnh nhân mắc COVID-19 và những người mắc bệnh virus khác như cúm hoặc viêm phổi. Kết quả chỉ ra những thay đổi trong não bộ sau khi mắc COVID-19 cũng đáng kể hơn và khác biệt hơn so với những thay đổi ở não bộ sau khi mắc cúm hoặc viêm phổi.
Chuyên gia Sarah Hellewell từ Đại học Curtin cho rằng nghiên cứu này cung cấp những bằng chứng cho thấy kể cả chỉ nhiễm COVID-19 thể nhẹ cũng có thể gây ra những thay đổi trong não bộ. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh người mắc bệnh không nên quá hoang mang và cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định những thay đổi này có kéo dài hoặc tiếp tục xấu đi theo thời gian hay không, việc điều trị có tác dụng đến quá trình này hay không.
Người nhiễm Omicron có thể lây cho người khác trong ít nhất 6 ngày
Tạp chí medRxiv dẫn một nghiên cứu mới đây cho biết bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan bệnh cho những người đã nhiễm các biến thể trước đó và thời gian trung bình lây lan ít nhất là 6 ngày.
Tiến sĩ Amy Barczak ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts tại Boston, người đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho biết: "Trung bình, những người tham gia nghiên cứu không còn virus sau khoảng 6 ngày kể từ khi có xét nghiệm dương tính, tuy nhiên, 25% các trường hợp vẫn tiếp tục lây lan virus trong hơn 8 ngày".
Theo ông Barczak, dù không biết chính xác cần một lượng virus bao nhiêu để truyền bệnh cho người khác, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy những người bị nhiễm COVID-19 nhẹ có thể lây bệnh cho người khác trong vòng trung bình trong 6 ngày, "đôi khi có trường hợp lâu hơn”.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hohhot, Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 2/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Moderna phát triển vaccine mRNA ngừa 15 mầm bệnh
Moderna ngày 7/3 cho biết từ nay đến 2025, công ty có kế hoạch phát triển và thử nghiệm các loại vaccine ngừa 15 mầm bệnh đáng lo ngại nhất thế giới.
Hãng dược phẩm của Mỹ thông báo sẽ triển khai chương trình có tên gọi “Tiếp cận mRNA”, cung cấp công nghệ cho các phòng nghiên cứu học thuật để các nhà khoa học dễ dàng phát triển thêm nhiều loại vaccine mới đối phó với dịch bệnh trong tương lai.
15 mầm bệnh đang được Moderna nghiên cứu bao gồm các loai virus gây ra sốt Chikungunya, sốt xuất huyết Crimean-Congo, sốt xuất huyết Dengue, Ebola, sốt rét, sốt Lassa, MERS và COVID-19.
Bà Stephane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna, cho hay 15 loại virus gây ra mối đe dọa tiềm ẩn trên vẫn chưa được nhiều công ty dược phẩm lớn để ý và nghĩ cách ứng phó.
Cùng ngày, Moderna thông báo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA đầu tiên ở châu Phi. Trước đó, Moderna đã ký thỏa thuận với Chính phủ Kenya về việc sản xuất 500 triệu liều vaccine/năm. Hãng sẽ đầu tư 500 triệu USD xây dựng cơ sở mới này, vốn được kỳ vọng sẽ sản xuất các loại vaccine cung cấp cho châu lục 1,3 tỷ dân này.
Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. Ảnh: AFP/TXVN |
Hong Kong (Trung Quốc): Ca mắc mới có xu hướng giảm
Ngày 8/3, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 28.475 ca mắc mới, là ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca giảm xuống ở mức trên 20.000. Trước đó, Hong Kong ghi nhận trên 50.000 ca/ngày liên tiếp từ ngày 2-4/3.
Ông Lương Vạn Niên, Trưởng nhóm chuyên gia về phản ứng với COVID-19 thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đang trực tiếp hỗ trợ Hong Kong, cho biết nhiệm vụ cấp bách nhất của thành phố hiện nay là thực hiện “3 giảm”: giảm số ca mắc mới, giảm ca bệnh nặng, giảm trường hợp tử vong và “4 tập trung”: tập trung bệnh nhân, tập trung chuyên gia, tập trung nguồn lực và tập trung điều trị. Theo ông, tình hình dịch bệnh ở Hong Kong vẫn đang trong giai đoạn bùng phát cấp tính, sẽ còn nhiều người mắc bệnh và ca bệnh nặng, nguồn lực y tế sẽ cạn kiệt nghiêm trọng và huyết mạch của hoạt động đô thị sẽ bị đe dọa. Hong Kong đang đối mặt với nguy cơ không thể hoạt động bình thường.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Malaysia đón du khách quốc tế từ ngày 1/4
Ngày 8/3, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakop cho biết nước này sẽ bắt đầu chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại biên giới nước này cho du khách quốc tế từ ngày 1/4 tới.
Thủ tướng Ismail Sabri cho biết quyết định trên được đưa ra là nhờ sự thành công của chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, từ đó giúp nước này có thể trở lại gần như cuộc sống bình thường sau 2 năm chiến đấu chống đại dịch.
Nhà lãnh đạo Malaysia cũng thông báo nới lỏng một số hạn chế, như cho phép các nhà hàng hoạt động qua 12h giờ đêm và dỡ bỏ giới hạn 50% sức chứa đối với các sự kiện tập trung đông người. Tuy nhiên, Malaysia vẫn áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng và sử dụng ứng dụng quản lý dịch COVID-19 theo như yêu cầu khi tới các tụ điểm tại nước này.
Khi COVID-19 được coi là bệnh đặc hữu, những du khách đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần phải cách ly khi nhập cảnh vào Malaysia, mà thay vào đó, họ sẽ chỉ cần xét nghiệm trước khi khởi hành và khi đến Malaysia.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 8/3/2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Trung Quốc phát triển vaccine kép COVID-19 và bệnh cúm
Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc thông báo đã phát triển một loại vaccine có tác dụng "kép" đối với cả virus SARS-CoV-2 và virus gây bệnh cúm.
Thông tin về vaccine mới mang tên là AdC68-CoV/Flu được công bố trên tạp chí Virology. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán Thượng Hải cho biết đã phát triển một kháng nguyên bằng cách kết hợp vùng kết nối kháng nguyên SARS-CoV-2 với cuống được bảo tồn của hemagglutinin H7N9 (glycoprotein kháng nguyên được tìm thấy trên bề mặt của virus cúm H7N9) và thể hiện bằng cách sử dụng vector là virus adeno của tinh tinh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy khi thử nghiệm trên chuột, vaccine mới đã tạo ra cả kháng thể chống SARS-CoV-2 và kháng thể chống virus cúm H7N9, chủng cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm sang người. Nghiên cứu cho thấy loại vaccine mới này một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để kiềm chế các đại dịch về bệnh đường hô hấp do virus gây ra.
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN |
Hàn Quốc: Số ca COVID-19 nguy kịch cao nhất trong hai tháng
Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 8/3 cho biết số ca COVID-19 nặng và nguy kịch đã lên tới mức cao nhất trong 2 tháng qua, trong bối cảnh biến thể Omicron đang tiếp tục lây lan nhanh ra khắp cả nước, gây ra nhiều ổ dịch mới.
KDCA đã ghi nhận 202.721 ca mới trong 24 giờ qua, trong đó có 202.647 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mới vượt quá 200.000 ca/ngày. Số ca nặng và nguy kịch hiện là 1.007 ca, tăng 52 ca so với ngày 7/3. Trước đó, con số này đã ghi nhận mức cao kỷ lục vào ngày 29/12/2021 với 1.151 ca.
Biến thể Omicron đã làm số ca nhiễm tăng nhanh chưa từng thấy tại Hàn Quốc trong vài tuần gần đây. Tổng số ca nhiễm đã vượt 4 triệu vào ngày 5/3, chỉ 5 ngày sau khi ghi nhận 3 triệu ca. Đầu tháng 2, con số này là 1 triệu ca.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 1/3/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN |