COVID-19 tới 6h sáng 14/5: Triều Tiên ghi nhận 6 ca tử vong đầu tiên

Theo TTXVN| 14/05/2022 07:11

Trong 24 giờ qua, thế giới có trên 505.000 ca mắc. Triều Tiên ghi nhận 6 ca tử vong đầu tiên và 18.000 người sốt, trong khi châu Âu vượt 2 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 14/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 520.225.345 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.286.134 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 505.193 và 1.441 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 474.862.506 người, 39.076.110 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 39.178 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 67.670 ca; Mỹ đứng thứ hai với 56.072 ca; tiếp theo là Australia (56.015 ca) và Hàn Quốc (51.773 ca). Đức cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 181 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ với 146 ca và Italy 115 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 84.122.451 người, trong đó có 1.026.255 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.117.836 ca nhiễm, bao gồm 524.190 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.664.739 ca bệnh và 664.780 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 194 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với gần 149,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 99,5 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12 triệu ca và châu Đại Dương 7,83 triệu ca nhiễm.

Chú thích ảnh

Châu Âu vượt 2 triệu ca tử vong do COVID-19

Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/5 công bố báo cáo cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại châu lục này đã vượt 2 triệu ca, lên 2.003.081 ca, trong khi số ca lây nhiễm trong đại dịch này đã lên tới 218 triệu ca, tương đương 42% tổng số ca mắc trên toàn thế giới.

Trong báo cáo này, WHO châu Âu nhấn mạnh mặc dù số ca lây nhiễm mới đang giảm trong khu vực, virus SARS-CoV-2 gây đại địch vẫn là một loại virus gây chết người, đặc biệt với những người chưa được tiêm chủng và dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng.

WHO châu Âu kêu gọi người dân hành động ngay lập tức và kiên trì với các biện pháp chống dịch trên nhiều mặt trận. Cụ thể là tiếp tục bảo vệ những người dễ bị tổn thương, tiếp tục theo dõi sự lây lan và đột biến của virus, đảm bảo hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó với bất cứ tình huống của dịch bệnh và giải quyết những tác động lâu dài của dịch.

Theo trang thống kê worldometers.info, toàn thế giới có hơn 519 triệu ca mắc, trong đó Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước có số ca mắc cao nhất thế giới với tổng số ca mắc tại 3 nước này vào khoảng 158 triệu ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ cũng đã vượt 1 triệu ca hồi đầu tuần.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Triều Tiên: 6 ca tử vong đầu tiên, 18.000 người sốt

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 13/5 cho biết nước này ghi nhận 6 ca tử vong do COVID-19 và hơn 18.000 người có triệu chứng sốt trên cả nước, chỉ một ngày sau khi công bố ca nhiễm đầu tiên do biến thể Omicron và triển khai hệ thống "khẩn cấp cao nhất" để kiểm soát dịch bệnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, KCNA đưa tin chỉ riêng trong ngày 12/5, Triều Tiên ghi nhận khoảng 18.000 người có triệu chứng sốt. Tính đến thời điểm hiện tại có tới 187.800 người đang được cách ly và điều trị,

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch COVID-19 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng theo KCNA, cùng ngày 12/5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thăm cơ quan phòng chống dịch khẩn cấp và kiểm tra năng lực chống dịch bệnh quốc gia. Tại đây, ông Kim Jong-un cho rằng việc đồng loạt phát sinh nhiều ca sốt ở khu vực thủ đô cho thấy điểm yếu trong hệ thống phòng chống dịch. Nhà lãnh đạo đồng thời chỉ thị tất cả các tỉnh, thành phố và quận, huyện tiến hành biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cơ quan y tế tập trung thiết lập phương pháp điều trị khoa học và tăng cường hơn nữa nguồn cung cấp thuốc của đất nước. Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh thách thức mà Triều Tiên phải đối mặt là “sớm đẩy lùi tình trạng khủng hoảng y tế công cộng trước mắt, khôi phục ổn định công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân”.

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) ngày 12/5 cũng triệu tập phiên họp lần thứ 8 sau khi Triều Tiên công bố ca COVID-19 đầu tiên. Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ thị ngay lập tức phong tỏa toàn bộ các thành phố và khu vực trên toàn quốc, duy trì ổn định nguồn cung nhu yếu phẩm, hạn chế bất tiện do quy định phong tỏa gây ra với nền kinh tế, sử dụng nguồn y tế dự phòng để nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Hàn Quốc đề nghị hỗ trợ vaccine cho Triều Tiên

Ngày 13/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đề nghị gửi vaccine ngừa COVID-19 cho Triều Tiên, một ngày sau khi Bình Nhưỡng ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh này.

Trong một tuyên bố, bà Kang In-sun - người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ: “Tổng thống Yoon Suk-yeol dự định gửi vaccine ngừa COVID-19 và các vật tư y tế khác cho người dân Triều Tiên". Theo bà, các trường hợp nghi mắc được cho là tăng đột biến tại Triều Tiên gần đây do một đợt bùng phát lớn dịch COVID-19. Bà cho biết Hàn Quốc sẽ thảo luận chi tiết với phía Triều Tiên về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) tới thăm Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia tại Bình Nhưỡng ngày 12/5/2022, trong bối cảnh Triều Tiên vừa phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm ngày 13/5, các nhà ngoại giao hàng đầu của Hàn Quốc và Mỹ đã bày tỏ quan ngại về đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Triều Tiên và nhất trí tiếp tục tham vấn về vấn đề hỗ trợ nhân đạo cho nước này.

Theo thông cáo báo chí của bộ trên, trong cuộc điện đàm đầu tiên sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã nhất trí hai nước tiếp tục tham vấn, cùng với cộng đồng quốc tế, về các cách thức cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Trẻ em chờ xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức không có ý định bỏ đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng

Chính phủ Đức không có ý định dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Trong một phát biểu tại Berlin ngày 13/5, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện, máy bay - nơi hành khách ngồi cùng nhau trong một không gian hẹp - đã được ban hành vì lý do chính đáng và cho thấy hiệu quả tốt. Do đó, Chính phủ Đức hoàn toàn không có kế hoạch bãi bỏ biện pháp này. Theo ông Hebestreit, người dân cần phải thích nghi với thực tế rằng đại dịch COVID-19 chưa thể biến mất mà sẽ còn kéo dài dai dẳng.

Hiện tại, việc có nên bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng hay không đang được tranh luận rộng rãi ở Đức. Bộ trưởng Giao thông Volker Wissing đã ủng hộ việc dỡ bỏ quy định này. Trong khi đó, Bộ Y tế Đức đã bác bỏ ý kiến trên. Theo Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach, với trung bình 150 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày và tỷ lệ mắc bệnh vẫn còn ở mức rất cao, chính phủ không có lý do gì để loại bỏ biện pháp đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

Theo luật bảo vệ chống lây nhiễm dịch bệnh sửa đổi lần gần đây nhất của Đức, hầu hết các biện pháp phòng dịch COVID-19 đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng vẫn là quy định bắt buộc trên toàn quốc cho đến ngày 23/9.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia khuyến khích người cao tuổi tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai

Ngày 13/5, Bộ Y tế Malaysia đã cập nhật quy định liên quan đến mũi tiêm vaccine tăng cường thứ hai phòng COVID-19 nhằm ngăn chặn biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong đối với những trường hợp suy giảm miễn dịch.

Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết tất cả các trường hợp cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) cũng như thanh thiếu niên có bệnh mãn tính có thể tiêm mũi tăng cường thứ hai sau mũi tăng cường thứ nhất từ 4-6 tháng. Các bệnh mãn tính được đề cập trong trường hợp này liên quan đến tim, phổi, thận và gan. Tuy nhiên, những đối tượng khác ngoài nhóm người cao tuổi muốn đăng ký tiêm phải được tư vấn trước của nhân viên y tế.

Bộ trưởng Khairy cũng nhấn mạnh mũi tiêm tăng cường thứ hai không bắt buộc và hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện.

Trước đây, mũi vaccine tăng cường thứ hai chỉ được khuyến nghị đối với những người trên 60 tuổi và có bệnh lý nền. Tuy nhiên, theo quy định mới, đối tượng tiêm được mở rộng sang những trường hợp khác từ 18 tuổi trở lên từng tiêm vaccine do Trung Quốc sản xuất muốn đến những quốc gia không công nhận vaccine của Trung Quốc.

Liên quan đến tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Malaysia, Chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ em (PICKids), ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 15/5 tới, sẽ được kéo dài đến hết tháng này. Sau thời điểm 31/5, nhiều khả năng trẻ sẽ không còn được tiêm vaccine miễn phí.

Giảm tình trạng viêm giúp ngăn ngừa nguy cơ tử vong ở người mắc COVID-19

Nghiên cứu cho rằng những bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19 có nguy cơ tử vong ngày càng tăng trong vòng 1 năm đầu hồi phục mà nguyên nhân chủ yếu là do các triệu chứng viêm. Những bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng viêm chứa steroid có nguy cơ tử vong thấp hơn so với những người không được kê đơn những loại thuốc này. Trưởng nhóm nghiên cứu Arch Mainous, phó Chủ tịch hội đồng nghiên cứu thuộc Đại học Florida, cho biết một số cơ quan nội tạng bị tổn thương do tình trạng viêm xuất hiện khi mắc COVID-19. Những dữ liệu mà cơ quan nghiên cứu thu thập được đều củng cố cho nhận định rằng việc điều trị kháng viêm sẽ có hiệu quả nhất định trong giảm nguy cơ tử vong. Những kết quả nghiên cứu mới cung cung cấp câu trả lời cho một nghiên cứu trước đó từng đăng trên Frontiers in Medicine hồi tháng 12/2021 rằng những người nhập viện điều trị COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể trong vòng 1 năm kể từ khi hồi phục, xuất viện.

Dựa trên những dữ liệu thu thập từ 1.200 bệnh nhân COVID-19 được cung cấp trong giai đoạn từ tháng 1/2020-12/2021, các nhà nghiên cứu phát hiện ra các bệnh nhân được dùng thuốc kháng viêm chứa steroid có nguy cơ tử vong thấp hơn khoảng 50%.

Chuyên gia Arch Mainous, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết tình trạng viêm lan rộng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Đây là lý do vì sao nhiều người có vấn đề suy giảm nhận thức trong khi những người khác có vấn đề về khứu giác hay vấn đề về thận hoặc đột quỵ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bên cạnh việc sử dụng các thuốc kháng viêm chứa steroid như nghiên cứu khuyến nghị thì việc thực hiện một số điều chỉnh trong lối sống cũng sẽ giúp giảm những biểu hiện viêm lan rộng. Theo đó, việc đảm bảo ngủ đủ từ 7-9 giờ/đêm là một khởi đầu tốt, tiếp đến là đảm bảo chất lượng giấc ngủ hay dạo bộ 20-30 phút/ngày trong ít nhất 5 ngày/tuần. Bên cạnh đó, việc bổ sung thực đơn với một số gia vị như gừng, nghệ, quế...hay tăng cường rau xanh cũng giúp làm chậm quá trình viêm, tránh uống đồ uống có cồn, thay cafe bằng trà xanh cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng viêm.

Nam Phi kêu gọi các tổ chức quốc tế đặt mua vaccine sản xuất tại châu Phi

Ngày 12/5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi các tổ chức quốc tế ủng hộ chương trình tiêm phòng COVID-19 mua vaccine từ các công ty dược ở châu Phi trong bối cảnh một trong những nhà sản xuất vaccine ở châu lục này đang có nguy cơ phải dừng sản xuất vì không có đơn đặt hàng.
Nam Phi, quốc gia công nghiệp phát triển nhất ở châu Phi, cũng là quốc gia đi đầu kêu gọi tự sản xuất vaccine tại châu lục có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng COVID-19 còn thấp này. Đây là nhà sản xuất vaccine COVID-19 đầu tiên và lớn nhất ở châu Phi.

Hồi tuần trước, hãng dược phẩm Aspen, hàng đầu Nam Phi thông báo không nhận được một đơn đặt hàng nào với lô vaccine phòng COVID-19 của Johnson& Johnson mới sản xuất tại châu Phi dành cho người dân trong châu lục. Hãng không loại trừ khả năng phải dừng dây chuyền sản xuất vaccine nếu không nhận được đơn đặt hàng,

Châu Phi có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thấp, chỉ khoảng 15,8% trong khi đang đương đầu với làn sóng dịch bệnh mới. Ngày 12/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khu vực phía Nam châu Phi đang ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc mới COVID-19, tăng 32% trong tuần trước.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 23/4/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Thụy Sĩ cấp phép tiêm vaccine của Moderna cho trẻ từ 6-11 tuổi

Ngày 13/5, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết công ty quản lý dược phẩm Swissmedic của Thụy Sĩ đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6-11.

Vaccine được tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6-11 gồm 2 liều, mỗi liều 50 micro gram (mcg).

Trước đó, nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ, Australia, Việt Nam, cũng đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của Moderna để tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.

Theo thoidai.com.vn
https://thoidai.com.vn/covid-19-toi-6h-sang-145-trieu-tien-ghi-nhan-6-ca-tu-vong-dau-tien-168378.html
Copy Link
https://thoidai.com.vn/covid-19-toi-6h-sang-145-trieu-tien-ghi-nhan-6-ca-tu-vong-dau-tien-168378.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    COVID-19 tới 6h sáng 14/5: Triều Tiên ghi nhận 6 ca tử vong đầu tiên
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO