Covid-19: Số tử vong kỷ lục ở Nga; Ukraine chung cảnh; Trung Quốc siết bảo vệ ở Bắc Kinh do bùng dịch

Bảo Hà| 04/11/2021 16:38

Ngày 4/11, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu như Nga, Ukraine, Pháp và Anh.

Covid-19: Số tử vong kỷ lục ở Nga; Ukraine chung cảnh; Trung Quốc siết bảo vệ ở Bắc Kinh do bùng dịch
Robot khử khuẩn tại một sân vận động ở Bắc Kinh được chụp vào ngày 26/10. (Nguồn: VCG)

Ngày 4/11, Nga ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục với 1.195 ca trong vòng 24 giờ, trong khi có 40.217 ca mắc mới. Đến nay, Nga đã ghi nhận gần 8,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có có 243.355 trường hợp không qua khỏi.

Hiện toàn nước Nga đang thực hiện tuần lễ không làm việc nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát mới nhất.

Tại Ukraine, cùng ngày, Bộ Y tế nước này thông báo tổng số ca mắc Covid-19 đã vượt mốc 3 triệu, với hơn 70.000 ca tử vong. Riêng số ca mắc mới trong ngày 4/11 là 27.377, vượt mức cao nhất ghi nhận được hôm 29/10 (26.870 ca). Số ca tử vong do Covid-19 tại Ukraine trong 24 giờ qua là 699 ca.

Trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong cao kỷ lục trong những tuần gần đây, chính phủ đã áp đặt các biện pháp phong tỏa để hạn chế lây nhiễm. Việc tiêm vaccine trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên một số cơ quan nhà nước và tại các vùng đỏ, trong đó có thủ đô Kiev.

Ukraine đang chứng kiến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh do biến thể Delta siêu lây nhiễm, trong khi đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Số 4 ở Kiev cho biết, việc người dân hoài nghi về hiệu quả của vaccine khiến công việc điều trị tại bệnh viện ngày càng khó khăn.

Theo một bác sĩ tại khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện này, tỷ lệ tử vong tại đây đã tăng từ 30% lên 48% kể từ đầu năm 2021.

Hiện 3 loại vaccine ngừa Covid-19 đã được phê duyệt sử dụng tại Ukraine là vaccine của các hãng AstraZeneca (Anh/Thụy Điển), Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) và CoronaVac (Trung Quốc).

Mặc dù chính phủ hối thúc người dân tiêm chủng ngừa Covid-19 và áp dụng các quy định hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine, tỷ lệ tiêm chủng ở Ukraine hiện chỉ đạt 20% dân số.

Tại Pháp, ngày 3/11, giới chức y tế nước này ghi nhận 10.050 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, lần đầu tiên vượt mốc 10.000 ca nhiễm/ngày kể từ ngày 14/9, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 7,28 triệu ca.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy dịch Covid-19 tại Pháp đang bùng phát trở lại, nhất là khi có thêm 84 ca phải nhập viện, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 6/9.

Số ca phải điều trị tích cực trong 24 giờ qua cũng tăng thêm 5 ca, lên 1.095 ca. Cũng trong ngày 3/11, Pháp ghi nhận 35 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 117.783 ca.

Trong khi đó, tại Anh, trường Đại học Imperial London công bố kết quả nghiên cứu REACT-1 cho thấy, số ca nhiễm tại nước này trong tháng 10 cao chưa từng thấy, do số ca nhiễm ở trẻ em tăng cao và do sai sót về công bố kết quả xét nghiệm của một cơ sở y tế tư nhân ở khu vực Tây Nam.

Cụ thể, gần 6% trẻ em trong độ tuổi đi học mắc Covid-19. Tuy nhiên, số ca nhiễm ở trẻ em đã giảm trong giai đoạn cuối của nghiên cứu này, trùng với thời điểm các trường học đóng cửa do kỳ nghỉ giữa kỳ. Tỷ lệ lây nhiễm trong các nhóm tuổi cao hơn đã tăng gấp đôi so với tháng 9.

Ở khu vực Tây Nam, tỷ lệ lây nhiễm trên thực tế đã được điều chỉnh tăng gấp 4 lần, sau khi bổ sung 43.000 ca nhiễm mới do sai sót của một cơ sở xét nghiệm tư nhân khiến những người này đã bị trao nhầm kết quả xét nghiệm PCR âm tính thay vì dương tính.

Nghiên cứu trên cho biết, tỷ lệ lây nhiễm tổng thể ước tính là 1,72% dựa trên các số liệu thu thập từ ngày 19-29/10, so với 0,83% của tháng 9.

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu chương trình nghiên cứu trên, nhà dịch tễ học Paul Elliott nhận định, tỷ lệ nhiễm bệnh tăng gấp đôi trong các nhóm cao tuổi hơn là "rất đáng lo ngại" khi sự gia tăng vốn xuất phát từ nhóm trong độ tuổi đến trường đang lan ra các độ tuổi khác.

Trung Quốc, giới chức nước này quyết định siết chặt các biện pháp bảo vệ thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng tại hơn một nửa số tỉnh thành trên cả nước trước thềm một hội nghị của các nhà lãnh đạo cấp cao trong vài ngày tới và Thế vận hội Olympic mùa Đông trong gần 100 ngày nữa.

Công ty đường sắt quốc gia ngày 3/11 cho biết đã ngừng bán vé tàu khởi hành từ 123 ga tại 23 địa điểm có ghi nhận ca nhiễm. Trước đó, chính quyền thành phố đã quyết định cấm người từ các khu vực có ca nhiễm đến thủ đô.

Trong khi đó, sự lây lan dịch tại thủ đô cũng khiến giới chức thành phố yêu cầu phong tỏa 2 trường học và ngừng việc học trực tiếp tại 16 cơ sở giáo dục nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch ở thanh thiếu niên.

Việc siết chặt các biện pháp hạn chế được đưa ra sau khi số ca nhiễm tại Bắc Kinh tăng đều trong vài ngày gần đây và dịch đã lây lan ra 19 trong số 31 tỉnh thành ở Trung Quốc đại lục.

Báo cáo hằng ngày của Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) ngày 4/11 cho biết, đã ghi nhận 87 ca nhiễm mới trong cộng đồng và 17 ca nhập cảnh, không có ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc đại lục hiện là 97.527 ca, trong đó 36 ca ở tình trạng nguy kịch.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Covid-19: Số tử vong kỷ lục ở Nga; Ukraine chung cảnh; Trung Quốc siết bảo vệ ở Bắc Kinh do bùng dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO