Mũi của trẻ em có khả năng chống đỡ sự xâm nhập của Omicron yếu hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Đây được xem là một phần nguyên nhân khiến số trẻ em mắc COVID-19 liên tục tăng cao trong thời gian biến thể Omicron bùng phát và hoành hành trên thế giới thời gian gần đây.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí sinh học PLOS Biology ngày 2/8, các kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm của 23 trẻ em và 15 người trưởng thành, toàn bộ đều khỏe mạnh, cho thấy Omicron có khả năng tự tái tạo nhanh chóng hơn trong tế bào niêm mạc mũi của trẻ em so với biến thể Delta hoặc chủng gốc corona. Chính vì lẽ đó, Omicron dễ dàng xâm nhập cơ thể trẻ nhỏ qua mũi hơn.
Trong khi đó, theo các nghiên cứu thời kỳ đầu dịch COVID-19, so với mũi người lớn, mũi của trẻ em cũng không "hoan nghênh" virus gây COVID-19. Các nghiên cứu cũng cho rằng virus SARS-CoV-2 ban đầu và một số biến thể khó có thể tự tái tạo ở niêm mạc mũi trẻ em và điều này giúp trẻ em tránh khỏi nguy cơ nhiễm virus đó.
Theo các nhà khoa học, phát hiện này phù hợp với thực tế diễn biến dịch bệnh khi Omicron lây lan khiến số trẻ mắc COVID-19 tăng cao. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này./.