Người dân Hàn Quốc có thể sẽ được trẻ hơn một tuổi so với trên giấy khai sinh nếu Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol thành công trong việc xóa bỏ khái niệm “tuổi Hàn Quốc”, vốn là phương pháp tính tuổi truyền thống được áp dụng tại quốc gia này từ lâu nay.
Cách tính tuổi theo phương pháp truyền thống của Hàn Quốc đang gây ra nhiều bất cập cho người dân. Ảnh: All Kpop |
“Những cách tính tuổi khác nhau đã và đang khiến Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều bất cập không cần thiết cả về khía cạnh kinh tế, xã hội, pháp lý và các dịch vụ công. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải chuẩn hóa cách tính tuổi cho công dân của mình”, ông Lee Yong-ho, một quan chức cấp cao của chính phủ Hàn Quốc nói với hãng tin Yonhap News.
Hiện cách tính tuổi phổ biến ở Hàn Quốc chính là việc một đứa trẻ ngay lúc sinh ra đã được ghi nhận là 1 tuổi, và khi bước sang ngày đầu tiên của tết Dương lịch thì mặc nhiên được cộng thêm một tuổi mà không phụ thuộc vào ngày sinh nhật của đứa bé.
Lý do là vì hệ thống tính tuổi của nước này xem 9 tháng thai nhi nằm trong bụng mẹ đã được làm tròn là 1 tuổi. Đây là cách tính tuổi không theo hệ thống tính tuổi quốc tế mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang áp dụng.
Ngay khi mới sinh ra, trẻ em Hàn Quốc đã được tính là 1 tuổi. Ảnh: Ahn Young-joon/AP |
Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 thì cách tính tuổi truyền thống của Hàn Quốc bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập nảy sinh trong thực tế, nhất là khi cơ quan y tếnước này sử dụng cả hệ thống tính tuổi quốc tế lẫn cách tính tuổi truyền thống để xác định độ tuổi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân, đặc biệt là trẻ em.
“Vấn đề sẽ không còn phức tạp nữa nếu chúng ta sử dụng chung một hệ thống tính tuổi chuẩn theo thông lệ quốc tế”, ông Lee cho biết, và nói thêm rằng, việc thay đổi cách tính tuổi sẽ bắt đầu được áp dụng vào đầu năm 2023 nếu được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn.
Ông Lee Yong-ho, phụ trách các vấn đề chính trị, dịch vụ pháp lý và cộng đồng Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap |
Kết quả thăm dò dư luận được tổ chức HanKook Research thực hiện trên 1.000 người dân Hàn Quốc cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có 7 người ủng hộ sự thay đổi này.