Indonesia cho biết chỉ sử dụng một nửa liều vaccine Covid-19 khác loại để tiêm mũi tăng cường. (Nguồn: EPA) |
Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin, việc sử dụng một nửa liều vaccine khác loại để tiêm mũi tăng cường là nhằm đảm bảo an toàn cho người nhận và tạo thuận lợi cho các nhân viên tiêm chủng.
Phát biểu tại phiên điều trần hôm 18/1 trước Hạ viện Indonesia, Bộ trưởng Budi cho hay, cách tiêm trộn nói trên đã được nghiên cứu tại các quốc gia khác. Theo đó, kháng thể được hình thành từ việc tiêm trộn sẽ phong phú hơn loại được hình thành từ việc tiêm cùng loại vaccine.
Theo ông Budi, Mỹ đã nghiên cứu và triển khai mũi tiêm tăng cường bằng nửa liều vaccine Moderna. Bộ trưởng Y tế Indonesia giải thích: “Vaccine Moderna có tỷ lệ tác dụng phụ cao. Do đó, chúng tôi cho rằng việc tiêm tăng cường bằng một nửa liều vaccine này sẽ an toàn hơn nhiều”.
Ông Budi cho biết thêm rằng, quyết định tiêm tăng cường bằng nửa liều vaccine khác loại cũng đã được đưa ra dựa trên các khuyến nghị của Nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng Indonesia (ITAGI) và một nhóm giáo sư thuộc Đại học Padjadjaran và Đại học Indonesia. Các khuyến nghị này đã được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia (BPOM) chấp thuận.
Bộ trưởng Y tế Indonesia cho hay tính trung bình, mức độ kháng thể từ việc tiêm vaccine mũi thứ nhất và mũi thứ hai là khoảng 100-200. Sau khi được tiêm nửa liều vaccine tăng cường, kháng thể sẽ tăng lên mức 7.500-8.000. Trong khi đó, nếu tiêm đủ liều, lượng kháng thể sẽ tăng lên mức 8.000-8.500.
“Vì vậy, ngay cả khi sử dụng đủ liều để tiêm tăng cường, sự chênh lệch cũng không quá đáng kể”, ông Budi khẳng định, đồng thời nhấn mạnh việc tiêm tăng cường bằng nửa liều vaccine khác loại cũng giúp giảm bớt công việc cho các nhân viên tiêm chủng trong quá trình chuẩn bị vaccine.
Trước đó, BPOM đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho các loại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer, Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh-Thụy Điển), Sinovac và Zifivax (Trung Quốc) trong chương trình tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 được khởi động vào ngày 12/1 vừa qua.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Indonesia, những người đã được tiêm mũi thứ nhất và mũi thứ hai bằng vaccine Sinovac có thể lựa chọn 4 loại vaccine để tiêm tăng cường gồm Sinovac (đủ liều), Pfizer (nửa liều), AstraZeneca (đủ liều) hoặc Zifivax (đủ liều).
Những người đã được tiêm mũi một và mũi hai bằng vaccine Pfizer có thể tiếp tục lựa chọn vaccine Pfizer (nửa liều), AstraZeneca (đủ liều) hoặc Moderna (nửa liều) để tiêm tăng cường.
Những người đã được tiêm 2 liều vaccine AstraZeneca có thể lựa chọn vaccine này (đủ liều), Pfizer (nửa liều) hoặc Moderna (nửa liều) để tiêm tăng cường.
Những người đã được tiêm 2 liều vaccine Moderna sẽ tiếp tục sử dụng vaccine này để tiêm nhắc lại với một nửa liều.
Những người đã được tiêm 2 liều vaccine Johnson & Johnson sẽ được tiêm tăng cường bằng vaccine Moderna (nửa liều), trong khi những người đã được tiêm 2 liều vaccine Sinopharm sẽ được tiêm tăng cường bằng vaccine Zifivax (đủ liều).
“bật đèn xanh” cho kế hoạch sử dụng vaccine ngừa Covid-19 Nuvaxovid. (Nguồn: Brussels Times) |
Trong khi đó, tại Brussels, Hội nghị liên vùng Y tế của Bỉ (CIM) ngày 19/1 đã “bật đèn xanh” cho kế hoạch sử dụng vaccine ngừa Covid-19 Nuvaxovid do công ty Novavax của Mỹ phát triển.
Trên cơ sở ý kiến của Lực lượng đặc nhiệm tiêm chủng, Bộ trưởng Y tế của các thực thể khác nhau của Bỉ đã quyết định dành ưu tiên vaccine Nuvaxovid cho những người có nguy cơ cao bị phản ứng dị ứng với các loại vaccine hiện có, hoặc đã chịu nhiều tác dụng phụ sau khi tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên.
Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 3.000 người Bỉ bị các tác dụng phụ của vaccine ngừa Covid-19 nên giới chức y tế nước này sẽ phân phối Nuvaxovid cho các nhóm dân cư khác, thí dụ như những người mắc chứng sợ vaccine, trên cơ sở người nào đến trước sẽ được phục vụ trước.
Sẽ có tổng cộng 510.000 liều vaccine Nuvaxovid được chuyển đến Bỉ trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3. Với đợt giao hàng này, tối đa 170.000 người có thể được tiêm loại vaccine mới.
Nuvaxovid là một loại vaccine ngừa Covid-19 được gọi là “tiểu đơn vị”, dựa trên các protein kích hoạt phản ứng miễn dịch, không có virus. Công nghệ này cổ điển hơn so với các loại vaccine đã được cấp phép trước đây và tương tự công nghệ được sử dụng trong vaccine viêm gan B và ho gà - vốn có tuổi đời hàng thập kỷ và được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.
Những cuộc thử nghiệm lâm sàng chính - một cuộc thử nghiệm ở Anh và một cuộc thử nghiệm khác ở Mỹ và Mexico với tổng cộng hơn 45.000 người tham gia - đã cho thấy hiệu quả của vaccine Nuvaxovid lên tới “khoảng 90%” trong việc giảm số ca Covid-19 có triệu chứng.
Hiện nay, Bỉ đang sử dụng 4 loại vaccine được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép là Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. EMA đã phê duyệt Nuvaxovid vào ngày 20/12 năm ngoái, 3 ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng loại vaccine này.