Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Nguồn: AAP) |
Phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: "Các biến thể Delta và Omicron hiện là mối đe dọa kép khiến số ca nhiễm tăng lên các mức kỷ lục, điều này dẫn tới số trường hợp nhập viện và tử vong gia tăng".
Ông Ghebreyesus cho rằng điều vô cùng quan ngại là Omicron - biến thể có khả năng lây nhiễm cao và lây lan đồng thời cùng biến thể Delta - đang tạo nên một "cơn sóng thần" ca mắc Covid-19.
Tổng Giám đốc WHO cũng một lần nữa kêu gọi các nước chia sẻ vaccine một cách bình đẳng hơn, đồng thời cảnh báo rằng, việc tập trung tiêm mũi tăng cường vaccine phòng Covid-19 ở các nước giàu có thể khiến các nước nghèo thiếu hụt vaccine.
Ông cho biết, WHO đang vận động mọi quốc gia đạt mục tiêu bao phủ vaccine cho 70% dân số vào giữa năm 2022 để giúp chấm dứt "giai đoạn cấp tính" của đại dịch.
Trong khi đó, cùng ngày, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết, giai đoạn "cấp tính" của đại dịch Covid-19 có thể kết thúc vào năm tới, song virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất.
Ông Mike Ryan cho hay, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron cho tới khi biến thể lây lan rộng hơn tới những người lớn tuổi.
Liên quan việc nhiều quốc gia giảm thời gian tự cách ly cũng như các biện pháp hạn chế phòng dịch, ông Ryan khuyến cáo chính phủ các nước cần "cẩn trọng".
Chuyên gia WHO nhấn mạnh, thời điểm hiện tại, các quốc gia không nên có thay đổi lớn trong chiến thuật và chiến lược phòng dịch chỉ dựa trên cơ sở các nghiên cứu ban đầu và sơ bộ về Omicron.
Ông Ryan chỉ ra rằng, ngay cả với những biến thể trước, hầu hết bệnh nhân sẽ ủ bệnh và xuất hiện các triệu chứng hoặc cho kết quả xét nghiệm dương tính trong khoảng 6 ngày đầu, chỉ sau khoảng thời gian này, khả năng dương tính hoặc truyền bệnh mới thấp hơn.
Vì vậy, chỉ tới lúc đó chính phủ các nước mới có thể đưa ra quyết định về thời điểm cho phép mọi người không phải cách ly và thực hiện các xét nghiệm bổ sung.