Theo Defense News, trong chuyến thăm Paris vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu đã đặt bút ký vào bản ghi nhớ về giai đoạn phát triển đầu tiên của dự án xe tăng chiến đấu chủ lực, được biết đến với tên gọi Hệ thống chiến đấu chính trên bộ (MGCS), sau nhiều năm khởi xướng.
Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để hiện thực hóa dự án, song người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức coi đây là bàn đạp để tiến đến hoàn tất thỏa thuận hợp tác do hai nước đồng tài trợ. Hiện những doanh nghiệp quốc phòng của hai bên như KNDS, Rheinmetall và Thales có thể bắt đầu phác thảo và đề xuất các ý tưởng. Trong đó, hợp đồng với các nhà thầu sẽ được ký vào cuối năm nay. “Chúng tôi đã đạt được một bước đột phá với một dự án mang tính lịch sử”, Bộ trưởng Pistorius nhấn mạnh.
Xe tăng Leopard 2 của quân đội Đức. Ảnh: Getty Images |
Xe tăng MGCS là dự án công nghiệp quốc phòng lớn thứ hai giữa Đức và Pháp, bên cạnh tham vọng chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo có tên FCAS. Năm 2017, Berlin và Paris đồng ý cùng phát triển xe tăng mới với kỳ vọng chương trình sẽ hoàn thành vào năm 2025, ra mắt nguyên mẫu trong năm 2027 và đưa vào trang bị từ năm 2035, nhằm lần lượt kế nhiệm các dòng xe tăng đang có trong biên chế là Leopard 2 và Leclerc, cũng như cung cấp cho thị trường quốc tế. Song cả hai dự án này đều gặp phải những bất đồng và chậm trễ do không xác định được trách nhiệm cụ thể của mỗi bên, trong bối cảnh mối quan hệ song phương cũng trở nên căng thẳng hơn bởi những khác biệt về vấn đề năng lượng và quan hệ giữa các nước châu Âu với Mỹ.
Tuy nhiên, việc Pháp và Đức tiến đến bước tiếp theo của tiến trình phát triển xe tăng MGCS là vô cùng quan trọng, làm nổi bật cách châu Âu có thể tự chủ về phòng thủ, tạo dựng nền tảng công nghệ quốc phòng của riêng khu vực, chủ động cạnh tranh với các quốc gia châu Á đang nổi lên như Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời dẫn trước các đối thủ lớn như Nga và Mỹ. Cả hai quốc gia đóng góp mức bằng nhau cho dự án khí tài chung. Theo Reuters, khi nhắc đến xe tăng MGCS, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Lecornu so sánh, trong khi Pháp và Đức đang hình thành dự án chung thì Mỹ vẫn chưa có câu trả lời về tương lai của dòng xe tăng Abrams.
Hiện các thông tin kỹ, chiến thuật của xe tăng MGCS chưa được tiết lộ. Defense News dẫn một số nguồn tin phân tích quân sự cho biết nó sẽ có thiết kế dễ dàng nâng cấp, pháo chính mới cỡ nòng 130mm hoặc 140mm, hệ thống giáp phức hợp, động cơ mới, công nghệ điều khiển hỏa lực và kết nối thông tin mạnh mẽ, nhiều khả năng xuất hiện phiên bản không người lái. Chính Bộ trưởng Lecornu từng miêu tả Pháp và Đức sẽ tạo ra “không phải xe tăng của tương lai mà là tương lai của xe tăng” với mục đích bảo đảm khả năng chiến đấu của quân đội hai nước trước những thay đổi về bối cảnh địa chính trị, quân sự trong tương lai.
Không chỉ hướng đến sản xuất xe tăng, dự án MGCS giữa Đức và Pháp thực chất là chương trình quốc phòng đa nền tảng, như tên lửa chống tăng thế hệ mới, robot được trang bị vũ khí laser, máy bay không người lái và nhiều loại vũ khí cải tiến khác... Ngoài ra, các sản phẩm thuộc dự án sẽ được trang bị công nghệ hiện đại bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ cung cấp thông tin tình báo, lập kế hoạch, chỉ huy và điều phối hỏa lực.
VĂN HIẾU