Theo Reuters, công ty khí đốt VNG của Đức dự định chuyển euro cho ngân hàng Gazprombank để tiếp tục chuyển đổi thành ruble và thanh toán khí đốt cho Nga.
Công ty Đức cho biết, VNG không mong muốn có sự cố khi chuyển đổi tiền tệ sang đồng ruble. Theo ghi nhận, việc mở tài khoản đã thành công và không gây ra bất kỳ khó khăn nào.
“Chúng tôi sẽ thanh toán số tiền hóa đơn, sẽ tiếp tục được tính bằng euro vào tài khoản Gazprombank theo quy trình đã lên kế hoạch để đảm bảo thanh toán kịp thời cho nhà cung cấp về phía chúng tôi”, công ty cho biết.
Công ty năng lượng Đức đồng ý với kế hoạch thanh toán khí đốt của Nga. (Ảnh: AP) |
Đồng thời, công ty này lưu ý, VNG không bình luận về câu hỏi liệu họ có mở 2 tài khoản với Gazprombank - bằng đồng ruble và bằng đồng euro hay không. Công ty nhấn mạnh, họ đang thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt và sự ổn định kinh tế của Đức phù hợp với các biện pháp trừng phạt.
Hôm 1/5, người đứng đầu Văn phòng Thủ tướng Hungary, Gergely Gulyas, cho biết Budapest và 9 quốc gia khác đã mở tài khoản tại các ngân hàng của Nga để thanh toán cho khí đốt tự nhiên theo một kế hoạch do chính quyền Nga đề xuất.
Đức đối phó với khủng hoảng năng lượng
Reuters dẫn các nguồn tin cho hay, Bộ Kinh tế Đức được cho đang chuẩn bị phương án xử lý khủng hoảng trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga đột ngột bị ngừng cung cấp.
Theo đó, gói khẩn cấp bao gồm các khoản vay và bảo lãnh của chính phủ để hỗ trợ các công ty năng lượng và nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp quan trọng như nhà máy lọc dầu, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài.
Một nguồn tin cho biết thêm, phương án quốc hữu hóa các công ty năng lượng cũng đang được xem xét, nhưng động thái như vậy cần được cân nhắc kỹ lưỡng và được chứng minh trên cơ sở nguồn cung cấp năng lượng, chứ không phải các biện pháp trừng phạt Nga.
Hôm 7/5, Chủ tịch ngân hàng Commerzbank của Đức, Manfred Knof, đã dự đoán về một làn sóng phá sản ở nước này mà không có khí đốt của Nga.
“Nguồn cung năng lượng ở Đức đang bị đe dọa, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, chúng tôi có lạm phát cao. Chúng ta không nên tự đánh lừa mình, số lượng các vụ vỡ nợ trên thị trường có thể sẽ tăng lên”, ông Knof nhận định.
Trước đó, Hiệp hội Năng lượng Đức (BDEW) đã cảnh báo người dân nước này rằng, giá khí đốt và điện sẽ tăng cao trong thời gian tới. Hiện tại, người Đức đang phải trả gấp đôi so với năm 2021.
Chủ tịch BDEW Kerstin Andreae, cho biết kể từ đầu năm 2021, giá bán buôn điện đã tăng gấp 4 lần và giá khí đốt gần gấp 5 lần.
Được biết, khí đốt của Nga chiếm 55% lượng nhập khẩu của Đức trong năm 2021. Đồng thời, Berlin cũng đã phải chịu sức ép trong vấn đề nhập khẩu khí đốt của Nga kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát.
Bên cạnh đó, Đức muốn tự cắt nguồn cung cấp khí đốt Nga nhưng dự kiến tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt Nga cho đến giữa năm 2024.
Hiện chưa rõ liệu kịch bản đột ngột ngừng khí đốt Nga có xảy ra hay không và các quan chức nói rằng Đức muốn ngăn chặn leo thang. Tuy nhiên, hiện tại, Đức lo ngại Nga có thể đơn phương đóng van các dòng khí đốt và muốn có phương án để đối phó khi kịch bản này xảy ra.
Thanh Bình (lược dịch)