Tối nay (1/7), Giám đốc Công ty Bắc Hà xác nhận thông tin kể trên với Tiền Phong và cho biết, hoạt động xe buýt đang gặp nhiều khó khăn.
Trong thông báo số 181 do lãnh đạo Công ty Bắc Hà ký gửi toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị ngày 1/7/2011 cho biết: Công ty thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với tất cả cán bộ công nhân viên (CBCNV) đang thực hiện hợp đồng lao động đã ký với Công ty Bắc Hà; với các cán bộ quản lý chủ chốt sẽ giải quyết các tồn tại theo quy định riêng. Thời gian chấm dứt lao động bắt đầu từ ngày 15/8/2022.
Lý giải nguyên nhân, Công ty Bắc Hà cho biết, vì điều kiện bất khả kháng, do dịch bệnh kéo dài; các hoạt động kinh doanh của công ty này tại tỉnh Bắc Giang đứt gãy, không hiệu quả, trong khi doanh thu vận tải khách thì sụt giảm nghiêm trọng, chi phí xăng dầu, sửa chữa... tăng cao trong nhiều năm gần đây. Công ty không đảm bảo được nguồn tài chính để duy trì hoạt động, nên phải cơ cấu, thu gọn sản xuất và phải dừng hoạt động vận tải.
“Quyết định dừng ngay hoạt động vận tải để đảm bảo cân đối nguồn tài chính đủ chi trả các khoản: tiền lương, tiền phép, hỗ trợ... đối với cán bộ công nhân viên (CBCNV); các khoản công nợ các nhà cung cấp vật tư, nguyên nhiên liệu, dịch vụ; Trích nộp đầy đủ tiền BHXH để người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm, lương thất nghiệp, chốt năm công tác khi dừng hợp đồng lao động trước thời hạn”, thông báo nêu rõ.
Về giải pháp xử lý trong các ngày tới, lãnh đạo Công ty Bắc Hà cho biết, công ty sẽ có trách nhiệm trong vòng 14 ngày kể từ ngày dừng hợp đồng nêu trên, đảm bảo chốt số liệu, lên kế hoạch thanh toán đầy đủ các khoản tài chính cho người lao động (tiền lương, tài sản gửi giữ hộ, lương phép năm 2022) và hoàn thiện các thủ tục hành chính cho người lao động (Hồ sơ ngưng hợp đồng lao động, nộp đủ các khoản bảo hiểm) để người lao động có đủ điều kiện thụ hưởng ngay chế độ lương thất nghiệp, bảo hiểm y tế do BHXH thành phố chi trả hàng tháng.
Tại Hà Nội, hiện Công ty Bắc Hà – chi nhánh Hà Nội là một trong 10 đơn vị chủ lực trong vận tải hành khách bằng xe buýt tại Hà Nội hàng chục năm nay. Công ty có trụ sở tại số 102 Yên Phụ - Ba Đình - Hà Nội.
Hiện Công ty Bắc Hà đang quản lý, vận hành 5 tuyến buýt có trợ giá của UBND thành phố Hà Nội. Các tuyến buýt này bao gồm số 41 (Nghi Tàm - BX Giáp Bát), 42 (Khánh Dư đi BX Mỹ Đình), 45 (Times City - BX Nam Thăng Long).
Cơ quan chức năng nói gì?
Thông tin với Tiền Phong chiều nay, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị chưa nhận được thông báo hoặc văn bản về sự việc trên của Công ty Bắc Hà. Tuy nhiên, nêu quan điểm về sự việc, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, các tuyến buýt Công ty Bắc Hà đang vận hành là tuyến buýt trong hệ thống mạng vận tải công cộng (VTHKCC) của thành phố, các tuyến buýt có trợ giá và mang tính xã hội cao. Do vậy dù bất kỳ lý do gì, các tuyến buýt trên không thể dừng hoạt động.
Hoạt động VTHKCC nói chung trong đó có xe buýt tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong 2 năm qua. Do ảnh hưởng “kép” của dịch COVID-19 và giá nhiên liệu tăng cao, dẫn đến doanh thu từ bán vé cho hành khách bị giảm từ 30 đến 50%. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động vận tải của buýt bị giảm sản lượng lớn trong 2 năm qua nhưng cơ chế hoạt động, định mức, chỉ tiêu sản lượng của xe buýt chưa được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp.