Một số bé khi bắt đầu ăn dặm với những loại thực phẩm mới mẻ thường rất hào hứng và hợp tác, tuy nhiên sau đó một thời gian mức độ này giảm dần, thậm chí bé trở nên chán ăn, lười ăn khiến phụ huynh đau đầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất có thể là do bé bị ngán, bị chán khi ăn dặm. Vậy làm thế nào để mang đến cho bé một bữa ăn dặm ngon, chống ngán và đầy đủ dinh dưỡng? Tintuconline mời bạn tham khảo những thông tin hữu ích dưới đây.
Lưu ý trong công thức ăn dặm cho bé
Hệ tiêu hóa của trẻ giai đoạn ăn dặm còn rất non yếu, thế nên khi lên công thức và các thực đơn ăn dặm cho trẻ cha mẹ cần hết sức chú ý để vừa đảm dinh dưỡng vừa an toàn cho bé, đồng thời giúp bé hấp thu hiệu quả dưỡng chất trong thực phẩm và phát triển khỏe mạnh. Để làm được điều đó, phụ huynh cần tuân thủ những lưu ý sau:
- Cho bé ăn dặm từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc và từ ngọt đến mặn để hệ tiêu hóa của bé có thời gian thích nghi dần với các loại thực phẩm mới ngoài sữa mẹ. Mẹ có thể bắt đầu bằng 1 -2 thìa bột với lượng nước sao cho đặc như nước cơm rồi tăng dần lên sau 3-4 hôm ½ thìa. Cứ như vậy tăng dần chứ không được cho bé ăn quá đặc khi mới bắt đầu.
- Mỗi bữa ăn dặm phải đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất nhằm cho bé một sự phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Ngoài ra, chất xơ cũng rất quan trọng, nó góp phần vào hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Mẹ có thể thực hiện phương pháp “tô màu bát bột” bằng cách thay đổi thành phần các loại rau củ có nhiều màu sắc như: màu xanh lá của rau, màu đỏ của cà chua, màu cam cà rốt, bí đỏ,…
- Không nêm gia vị vào món ăn dặm mà chú trọng đến hương vị tự nhiên của thực phẩm. Các mẹ có suy nghĩ rằng nêm chút mắm, muối vào đồ ăn dặm sẽ khiến món ăn đậm đà hơn và kích thích vị giác của trẻ thì mẹ đang mắc sai lầm lớn. Các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe trẻ em vẫn luôn khuyến cáo các bà mẹ không nên cho con ăn muối, nước mắm vì chức năng thận của trẻ vẫn còn yếu. Khi mẹ nêm mắm muối vào đồ ăn của con sẽ khiến thận của bé phải làm việc quá sức.
- Nên cho bé làm quen thứ tự các loại thực phẩm từ nhóm I, nhóm II, nhóm III. Trong đó, nhóm I chủ yếu là bột ngũ cốc (có thể bắt đầu từ cháo trắng nghiền thật nhỏ), nhóm Ⅱgồm rau củ, quả (Cà rốt, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, chuối, bơ) và nhóm Ⅲlà thịt nạc lợn, thịt nạc gà, thịt cá trắng.
- Lượng ăn dặm cho bé phải phù hợp. Tùy vào sức ăn của trẻ là nhiều hay ít mà bạn nên cho trẻ ăn với một lượng thức ăn phù hợp. Đối với những trẻ 6 tháng tuổi trở đi, bạn có thể cho bé ăn hai bữa trong ngày là đã đủ. Mỗi bữa phải cách nhau một khoảng thời gian, ít nhất là 2 giờ để bé tiêu hóa hết các thức ăn từ bữa trước.
Nếu bé biếng ăn, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn cho bé, nhưng cũng không nên chia quá nhỏ. Sau mỗi bữa ăn, bạn có thể cho trẻ bú thêm sữa bạn nếu trẻ ăn ít.
- Tuân thủ an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho bé. Cụ thể, ba mẹ cần tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, đối với tịt, cá, rau củ đều phải là sản phẩm sạch, tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, sữa vẫn là thực phẩm chiếm hơn ¾ tổng lượng thức ăn mỗi ngày của bé giai đoạn này nên mẹ vẫn phải đảm bảo để nguồn sữa đủ dinh dưỡng và an toàn.
Công thức ăn dặm cho bé chống ngán
Bí kíp cho bé ăn dặm chống ngán chính là thực đơn ăn dặm đa dạng món, giúp bé trải nghiệm hương vị. Ngoài ra bố mẹ cũng nên phối hợp các nhóm thức ăn với nhau để tạo ra sự mới mẻ, hấp dẫn bé, bé không bị chán mà vẫn đảm bảo được lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho bé. Trong đó, 4 dưỡng chất cần thiết là tinh bột, đạm, vitamin và chất béo cần kết hợp với nhau.
Hãy cân đối các nhóm tinh bột như khoai, gạo, mì... đồng thời bổ sung thêm đạm có trong thịt, cá, trứng, tôm, cua...; vitamin và khoáng chất có trong cà rốt, củ cải, rau ngót, rau dền, chuối, cam, đu đủ... và cuối cùng là chất béo của dầu hoặc mỡ…
Sau đây là các công thức mẫu mà mẹ có thể áp dụng theo từng giai đoạn ăn dặm của bé.
Giai đoạn 1: Từ khoảng 6 đến 7 tháng
- Tỷ lệ gạo - nước khi nấu cho bé nên là 1:10.
- Nguyên liệu chủ yếu: rau, củ, quả, ngũ cốc xay nhuyễn và sữa.
Giai đoạn 2: từ khoảng 7 – 9 tháng
- Tỷ lệ gạo: nước khi nấu cho bé là 1:7.
- Mẹ có thể cho bé ăn cùng lúc nhiều loại thực phẩm để giúp bé làm quen với hương vị thức ăn hỗn hợp.
- Danh sách thực phẩm có thể thêm vào thực đơn của bé ở giai đoạn này: thịt gà, nấm, sữa chua, cá, tôm, cua,…
Giai đoạn 3: từ 9 – 12 tháng tuổi:
- Tỷ lệ gạo - nước khi nấu cho bé là 1:5 để bé rèn luyện kĩ năng nhai.
- Thực đơn của bé cần phong phú hơn. Mẹ có thể bổ sung thêm thực phẩm như: thịt bò, thịt heo, bột tôm, cua, cá, lươn,…
Ngoài ra, một bí quyết khác để chống ngán cho bé ăn dặm là hãy cho bé ăn đúng giờ và ăn ít một. Tập cho bé ăn đúng giờ là cần thiết cho quá trình ăn dặm cũng như giúp cho dạ dày của bé làm quen với thức ăn, thời gian tiêu hóa thức ăn. Ban đầu có thể cho bé ăn 6 bữa/ ngày với lượng ít, sau đó giảm dần nhưng chú ý các bữa ăn dặm của bé phải cách nhau ít nhất 2 giờ.
Cuối cùng, ba mẹ đừng quên tạo hứng thú cho bé khi ăn dặm, giúp bé luôn vui vẻ, thích thú trong các bữa ăn bằng cách lựa chọn các loại bán, chén, thìa ngộ nghĩnh, đáng yêu và nhiều màu sắc kích thích bé. Không gian ăn uống phải thoáng, đông vui nhưng tránh ồn ào quá mức.
Theo V.K - Vietnamnet