"Chúng tôi thực sự sợ hãi, mỗi giây phút đều có cảm giác như cái chết đang kề cận. Chúng tôi không chắc liệu có được cứu sống hay không", Deepak Kumar, một công nhân được giải cứu trong vụ sập hầm ở bang Uttarakhand, Ấn Độ, cho biết.
Hôm 28/11, sau 17 ngày nỗ lực, lực lượng cứu hộ cuối cùng đã giải cứu thành công toàn bộ 41 công nhân trong vụ sập hầm ở Uttarkashi, bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ. Hầu hết công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm sập một phần là lao động nghèo di cư.
Các máy khoan hạng nặng đã khoan xuyên qua lớp đất, đá, bê tông dày 60m giúp lực lượng cứu hộ tiếp cận vị trí của nhóm công nhân. Toàn bộ 41 công nhân được đưa ra ngoài an toàn và đều khỏe mạnh.
Sabah Ahmad, một trong các công nhân được giải cứu, chia sẻ: "Tôi biết đó là thời điểm khó khăn đối với những người ở bên trong và còn khó khăn hơn đối với người thân ở bên ngoài. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã được ra ngoài, đó là điều quan trọng nhất".
Các công nhân cũng cho biết, việc giữ vững tinh thần trong hoàn cảnh của họ vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi nỗ lực cứu hộ nhiều lần thất bại và kéo dài hơn 2 tuần.
"Không hề dễ dàng. Sau 3-4 ngày trong đường hầm bị sập và đội cứu hộ không thể tiếp cận được chúng tôi, thực tế là niềm tin của chúng tôi đã xuống rất thấp", Kumar tâm sự.
Trong hơn 2 tuần mắc kẹt trong hầm giá rét chờ giải cứu, nhóm công nhân đã được tiếp tế lương thực và oxy. Lực lượng cứu hộ cũng thiết lập đường dây điện thoại để người thân của họ ở xa có thể cập nhật tình hình và động viên các công nhân.
"Tôi đã nói với gia đình mình rằng tôi vẫn khỏe. Cả nhà đừng lo lắng, mọi chuyện rồi sẽ ổn, tất cả sẽ sớm được ra ngoài. Nhưng ngay cả khi nói những lời này, đôi khi tôi vẫn lo rằng sẽ không bao giờ có thể gặp lại cha mẹ nữa", Kumar kể lại.
Chamra Oraon, 32 tuổi, đến từ bang Jharkhand, cho biết anh đã vô cùng hoảng sợ khi nghe thấy tiếng sập lớn và đất đã bắt đầu rơi vào sâu bên trong đường hầm hôm 12/11, chặn lối thoát duy nhất.
"Tôi đã chạy trốn nhưng bị mắc kẹt ở phía bên trái. Khi biết rõ rằng chúng tôi sẽ phải ở đó trong một thời gian dài, chúng tôi trở nên bồn chồn, đói khát. Nhưng chúng tôi thầm cầu nguyện để được giúp đỡ", anh kể.
Subodh Kumar Verma, một công nhân khác, cho hay 24 giờ đầu tiên là khoảng thời gian đáng sợ nhất khi họ nghĩ có thể chết vì đói và ngạt. "Chúng tôi phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến thực phẩm và không khí trong 24 giờ ở đó". Verma nói.
Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng xốc lại tinh thần sau khi đội cứu hộ đưa được ống dẫn oxy vào bên trong và chuyển đồ ăn vào.
Cuối cùng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Đội cứu hộ đã đưa toàn bộ 41 công nhân ra ngoài an toàn và khỏe mạnh.