Sáng ngày 22/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tại hội nghị, ông có bài phát biểu rất hay, sâu sắc và cụ thể về công nghiệp văn hóa, về những vấn đề đặt ra, những thành tựu và cả mặt hạn chế, và quan trọng là hướng phát triển công nghiệp Văn hóa Việt Nam trong tương lai.
Theo PGS TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì, “Công nghiệp văn hóa là sự ứng dụng của những tiến bộ công nghệ - thông tin và kỹ năng kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đầu vào là năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo đầu ra là các sản phẩm - dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày mạnh mẽ và đa dạng của người dân. Hiểu một cách khái quát, công nghiệp văn hóa là quá trình ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ cùng kỹ năng kinh doanh, sử dụng dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân”...
Và ở nhiều nước, công nghiệp văn hóa đã trở thành trụ cột trong phát triển văn hóa của đất nước. Nói ở đâu xa, Hàn Quốc là một ví dụ sát nách chúng ta. Những bộ phim Hàn nhiều tập với dàn diễn viên toàn cỡ hoa hậu, những câu chuyện lâm li nhưng nhiều khi rất vô lý, những ngẫu nhiên ung thư, máu trắng để kết phim, nhưng với trình độ làm phim thượng thừa, họ đã chinh phục khán giả Việt, lấy rất nhiều nước mắt và thời gian của khán giả. Và theo sau những bộ phim ấy là hàng hóa của họ, đặc biệt là mỹ phẩm và các phụ kiện làm đẹp, tràn vào Việt Nam. Và chưa hết, làn sóng người Việt sang Hàn Quốc du lịch cũng đông không kém. Bà xã tôi cùng nhóm bạn cũng là người góp vào làn sóng ấy một cú du lịch vừa về, lễ mễ hàng hóa, tất nhiên không thiếu sâm và mỹ phẩm.
Hôm qua ngồi cà phê với mấy bạn già, một ông hỏi: Thứ 7 vừa rồi ông xem chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” trên VTV3 không? Khi tôi trả lời là không xem, dù ngày xưa từng thích thú xem các chương trình truyền hình thực tế trên truyền hình, nhưng sau thấy nó cứ giả giả thế nào, bèn thôi, giữ sức xem... bóng đá Euro, thì ông nhảy nhổm lên: Ông quan tâm văn hóa mà không xem là chưa phải nhé. Nó là công nghiệp văn hóa mà ông hay nói đấy, và nó hay, hay thật sự.
Thế là lão ấy dí cho cái link xem trên youtube.
Ơ kìa, xem rất được ạ.
Lại nhớ cái thời cả nước xem SV 96, và hiện nay đang rất đông người xem “Đường lên đỉnh Olimpia” hàng tuần, có cả ông em ruột tôi, nguyên Phó Chủ tịch huyện về hưu, làm gì thì làm, trưa Chủ nhật là chiếm tivi và... cãi nhau với tivi, với thí sinh, nhất là lĩnh vực hóa học. Ông em tôi nguyên là giáo viên Hóa học, là hiệu trưởng trường cấp 3 trước khi làm Phó Chủ tịch nên cái máu giáo dục vẫn hừng hực.
Và giờ có chương trình này.
Ông bạn phán tiếp, lâu rồi mới có 1 chương trình mà trong gia đình ít nhất hai thế hệ có thể cùng ở bên nhau, quây quần bên TV, đón xem một chương trình có giá trị nghệ thuật. Cả nhà cùng ngồi xem TV, thay vì mỗi người một chiếc điện thoại di động, sẽ giúp gắn kết tình thân gia đình cũng như nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh.
Quả là, chương trình khá công phu, hiện đại, hoành tráng về âm thanh, ánh sáng nhưng vẫn rất dân tộc, dân dã, nhất là lúc Tự Long hát. Lâu nay tôi cứ tưởng anh này biết mỗi hát chèo, và làm hề, té ra khi hát bài “Tình đất” Tự Long đã làm rất nhiều khán giả, cả tôi khi xem lại trên Youtube, phải rưng rưng xúc động. Tôi lần vào phần bình luận, thấy nhiều bình luận của thế hệ gen Z cũng rất thấm, đại loại: “các cháu rất xúc động khi nhìn thấy các chú như vậy”, là cái đoạn các cháu thấy hai ông sĩ quan quân đội Tự Long và Hồng Sơn xuất hiện, giơ tay chào kiểu nhà binh, kiểu chào đã làm nên hình ảnh Hồng Sơn khi ghi bàn thời anh còn đá bóng ở đội Thể Công mỗi khi ghi bàn, và ngay lúc ấy thì Tự Long bắt nhịp cho cả khán phòng hát quốc ca.
Thế tức là, công nghệ văn hóa nói chung, và ở trường hợp cụ thể này, nó là sự kết hợp hết sức nhuần nhuyễn giữa công nghệ hiện đại và bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống dân tộc, dẫu chương trình có phần hiện đại của các bạn trẻ, nó là sự tiếp biến và giao thoa rất cần thiết để phát triển liên tục.
Lại nhớ ngành văn hóa đang có những đề xuất đầu tư rất lớn, và họ cho rằng “Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước”, điều này hoàn toàn đúng. Nhưng một mặt cần sự đầu tư của ngân sách nhà nước, nhưng mặt nữa, phải tận dụng hết các nguồn lực xã hội để văn hóa có thể vươn tầm khu vực và thế giới. Nón lá, tre xanh, cánh cò cánh vạc, kể cả phở, nem rán... một mặt nó là nó, mặt kia nó cần được đặt vào những môi trường thích hợp, để nó vẫn là nó nhưng nó lại được chấp nhận ở diện rộng hơn.
À lại nói nem rán, có nơi gọi chả giò, chả ram..., lịch sử của nó cũng khá thú vị cho việc chứng minh sự “giữ gìn và hòa nhập”.
Vốn dĩ xuất hiện từ Sài Gòn, nó chỉ gồm vỏ bánh tráng quấn miến chiên giòn để đưa cay, rất hợp với kiểu nhậu vỉa hè ở thành phố phương Nam này (bây giờ một số nơi vẫn còn kiểu ấy), khi đi ngược ra Hà Nội, nó có thêm thịt lợn, cua bể (biển), mộc nhĩ, nấm hương, trứng, su hào, củ đậu vân vân, và cái vỏ bánh tráng được làm mỏng hơn, rất mỏng để nó giòn mà không cứng, rồi quấn to hơn, rán giòn, nó thành đặc sản bây giờ. Ở Bình Định, cũng món ấy, nhưng miếng bánh tráng quấn con tôm đất, chiên giòn, cũng là món mà... giỗ mới có.
Bây giờ mở mạng ra, nhất là trên facebook, ticktok, Youtube, rất nhiều clip nhảm nhí, nhiều đoạn phim ngắn tự làm tự phát, vô nghĩa và thậm chí độc hại, đặc biệt là vụ sư Minh Tuệ vừa qua, các loại hình này đã phát huy hết “vai trò” của mình, làm thông tin loạn xà ngầu, không phân biệt đâu là đúng đâu là sai, thì việc cần có những chương trình nghiêm túc nhưng hay, phải hay, vì chúng ta có khá nhiều chương trình nghiêm túc nhưng chưa hay trên truyền hình, nhất là các dịp kỷ niệm, lễ lạt của các tỉnh, chỉ trên một kịch bản giống nhau, đạo diễn như nhau, thậm chí giọng đọc lên bổng xuống trầm như nhau, múa một tí, nhảy một tí, xiếc một tí, hát một tí, đặc biệt hát về quê hương, những bài hát đặt hàng, bỏ khá nhiều tiền ra nhưng nó không hay, xong rồi là quên.
Nên có lãnh đạo một tỉnh từng nói với tôi, tỉnh tránh làm những chương trình thời vụ, mà sẽ đầu tư vào những gì có chiều sâu, và đặc biệt có tính nghệ thuật. Nói gì thì nói, tuyên truyền gì thì tuyên truyền, phải hay, phải hấp dẫn để có người xem, người đọc đã. Câu này vận dụng cả vào giới viết lách nữa cũng đúng...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Văn Công Hùng