Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Lâm (ảnh), Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam để hiểu rõ thêm vai trò của dữ liệu hạ tầng không gian địa lý quốc gia cũng như một số nhiệm vụ và giải pháp xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trong thời gian tới.
PV: Xin ông cho biết, vai trò quan trọng của dữ liệu hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị thông minh, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường?
Ông Hoàng Ngọc Lâm:
Dữ liệu không gian địa lý đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các nền kinh tế quốc dân; đặc biệt là trong giai đoạn phát triển công nghiệp 4.0, phát triển các chương trình số hóa như hiện nay. Trong hệ thống thông tin, thông tin không gian địa lý cũng giữ một vai trò rất quan trọng để phát triển thành phố thông minh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường…
Ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam |
Hiện nay, đô thị thông minh và thành phố thông minh là xu hướng chung trên thế giới. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Muốn phát triển đô thị thông minh bắt buộc phải có các thông tin không gian địa lý. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, 80% dữ liệu không gian địa lý giữ vai trò nền tảng trong quy hoạch và quản lý đô thị thông minh, không chỉ cho người quản lý mà đặc biệt cho người dân trong thành phố biết sử dụng các dữ liệu phục vụ cho thành phố thông minh của mình.
Không những thế, thông tin không gian địa lý cũng đặc biệt quan trọng đối với bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam đã có những chương trình lớn về bảo vệ môi trường. Trong đó có những vấn đề trong lĩnh vực ứng dụng dữ liệu không gian địa lý để phòng chống thiên tai, phòng chống các tai biến tự nhiên; xây dựng các cơ sở dữ liệu để quản lý về ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường; xây dựng các hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ cho việc dự báo, cảnh báo những tai biến thiên nhiên như lũ lụt, nước biển dâng, phòng cháy rừng… Tất cả những điều đó đều cần công nghệ không gian địa lý và dữ liệu không gian địa lý.
PV: Thời gian qua, các Bộ, ngành nói chung và ngành TN&MT nói riêng đã có những đầu tư gì để xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ nhu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Lâm:
Ở nước ta, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ dữ liệu không gian địa lý mang lại. Vì vậy, nhiều năm qua, các Bộ, ngành nói chung và ngành TN&MT nói riêng đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ nhu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho ngành Đo đạc và Bản đồ, trong đó có 2 Dự án Chính phủ “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước” và “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm”. Sản phẩm của các Dự án gồm cơ sở dữ liệu nền địa lý và bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 đã được bàn giao cho các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Đến nay, dữ liệu phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia hiện có bộ dữ liệu khung về hệ thống các điểm gốc đo đạc quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia, nền địa lý quốc gia, các loại bản đồ địa hình, biên giới, hành chính quốc gia, ảnh hàng không, dữ liệu ảnh viễn thám, dữ liệu địa danh được xây dựng đầy đủ theo tiêu chuẩn dữ liệu thống nhất.
Ứng dụng thông tin địa lý không gian trong quy hoạch và quản lý đô thị thông minh. |
Bên cạnh đó, bộ dữ liệu chuyên ngành rất lớn về tất cả các lĩnh vực đất đai, nước, biển, rừng, công trình ngầm, thiên tai, hành chính kinh tế, quy hoạch đô thị, nông thôn… thuộc phạm vi trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương cũng đã hình thành.
PV: Như vậy có thể thấy, hệ thống dữ liệu không gian địa lý quốc gia là rất lớn. Hiện nay dữ liệu này được lưu trữ, sử dụng thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Lâm:
Mặc dù bộ dữ liệu khung và dữ liệu chuyên ngành rất lớn, tuy nhiên, hiện nay các dữ liệu này chưa được xây dựng theo các tiêu chuẩn dữ liệu thống nhất, chưa đảm bảo để tích hợp, chia sẻ sử dụng chung trên Cổng Thông tin không gian địa lý Việt Nam.
Mặt khác, phần lớn dữ liệu không gian địa lý chưa được cập nhật kịp thời, do đó chưa phù hợp với thực tế hiện nay và thiếu đồng bộ của các dữ liệu có liên quan. Việc tích hợp giữa các loại dữ liệu còn xảy ra mâu thuẫn, chưa thống nhất; còn tình trạng dữ liệu chưa được cung cấp, chia sẻ để sử dụng chung mà do các cơ quan, tổ chức lưu giữ riêng, gây lãng phí và chồng chéo trong xây dựng dữ liệu địa lý.
Đặc biệt, chưa có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân phối hợp, tham gia cập nhật, cung cấp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý để tận dụng nhân lực, công nghệ và tài chính của toàn xã hội. Chưa chú trọng công tác đào tạo về thông tin địa lý ở các cơ sở giáo dục để nâng cao hiểu biết và khả năng sử dụng dữ liệu không gian địa lý vào các công việc phục vụ các mục đích của xã hội và nâng cao dân trí.
PV: Trước yêu cầu phát triển đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn đất nước, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có giải pháp gì để đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Lâm:
Trước yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã hoàn thành Dự thảo Chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc phục vụ cung cấp thông tin, dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.
Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đảm bảo tạo dựng, duy trì, nâng cao giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu về dữ liệu không gian địa lý của toàn xã hội, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý toàn cầu.
Để thực hiện các mục tiêu xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trên, Bộ TN&MT xác định các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia. Tăng cường năng lực trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ trong công tác cập nhật, quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; Xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; Bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!