Dùng công nghệ để chống lại Covid-19
Với việc hàng chục ca dương tính Covid-19 đang được phát hiện mỗi ngày, nhiều giải pháp như khoanh vùng, truy vết người nghi nhiễm, tiêm vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng,... đã được triển khai nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy vậy, khác hẳn với các đại dịch khác, Covid-19 đang cho thấy đây không phải chỉ là một đại dịch thông thường. Với nhiều biến thể và đợt dịch bùng phát, phòng chống Covid-19 là một cuộc chiến dài hơi và đòi hỏi sự tham gia của cả xã hội.
Thực tế này cho thấy, cần có sự ra đời của các giải pháp chống dịch phi truyền thống. Chống dịch bằng công nghệ là lựa chọn tối ưu nhất hiện nay để xã hội có thể vận hành một cách bình thường.
Người dân thu hoạch nông sản trong tâm dịch tại Hải Dương. Ảnh: Trọng Đạt |
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, Bộ TT&TT đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”.
Theo đó, để chống dịch bằng công nghệ, các địa phương cần thực hiện kết hợp nhiều giải pháp khác nhau. Các giải pháp này bao gồm việc triển khai cài đặt Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nhiễm Covid-19) và NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện).
Các địa phương cũng cần triển khai hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng thông qua quét mã QR và hệ thống bản đồ phòng dịch.
Với những nơi có cảng hàng không, cửa khẩu, các địa phương này cần thực hiện việc khai báo y tế điện tử cho người nhập cảnh.
Đâu là hiệu quả của các giải pháp chống dịch bằng công nghệ?
Theo các chuyên gia, các giải pháp công nghệ như ứng dụng Bluezone chỉ có thể đạt hiệu quả cao nếu được hơn 60% dân số sử dụng. Ghi nhận của đơn vị phát triển cho thấy, tính đến tháng 3/2021, đã có hơn 30 triệu người sử dụng ứng dụng Bluezone.
Xét hiệu quả triển khai trên thực tế, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 (25/7/2020) tại Hải Dương, với tỉ lệ người cài đặt Bluezone là 27%, địa phương này đã xác định được 1.035 F1, F2.
Nhiều khuyến cáo đã được các cơ quan chức năng đưa ra về việc người dân nên cài ứng dụng Bluezone để nhận cảnh báo trong trường hợp tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: Trọng Đạt |
Ở đợt dịch bùng phát lần 2 ngày 27/1/2021 tại Hải Dương, tỷ lệ cài đặt ứng dụng Bluezone là 43% tổng dân số toàn tỉnh. Nhờ vậy, hệ thống đã truy vết được 1.993 trường hợp F1, F2. Đáng chú ý khi bằng cách làm này, cơ quan y tế đã tìm ra 17 ca dương tính nằm ngoài danh sách điều tra dịch tễ truyền thống.
Với những thành công và kinh nghiệm đã đạt được tại Hải Dương, Bluezone được xem là biện pháp hữu hiệu nhất để khoanh vùng hiệu quả, giúp duy trì trạng thái một nhà cách ly, cả xã hội vẫn có thể hoạt động bình thường.
Với ứng dụng NCOVI, tính đến 3/2/2021, số lượt cài ứng dụng NCOVI là 7,8 triệu lượt. Số bản ghi khai báo y tế toàn dân là 18 triệu, số bản ghi cập nhật theo dõi sức khỏe là 52.95 triệu, số bản ghi quét mã QR là 7,25 triệu.
Các bản khai y tế là những dữ liệu đầu vào cơ bản để cơ quan y tế có thể nắm được thông tin về tình hình sức khỏe của từng người dân. Tập hợp lớn dữ liệu bản khai y tế cũng giúp các cơ quan chức năng có thể phát hiện ngay trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng.
Người dân được khuyến khích thực hiện khai báo y tế điện tử tối thiểu 1 lần mỗi ngày. |
Thời gian gần đây, Việt Nam đang sử dụng thêm một giải pháp khác là check in để lưu lại mốc dịch tễ bằng mã QR. Với biện pháp này, người dân cần quét mã QR để check in mỗi khi đến các địa điểm công cộng.
Trong trường hợp một người được xác định dương tính với Covid-19, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào lịch sử quét mã QR của người đó để lọc ra các “mốc dịch tễ” mà bệnh nhân đã tham gia hoặc đi đến trong khoảng thời gian 3 ngày trước khi khởi phát bệnh.
Những người đã đến các “mốc dịch tễ” trong khoảng thời gian bệnh nhân check in sẽ được lập danh sách để cán bộ điều tra truy vết, từ đó xác định ra các F1.
Người lao động tại khu mỏ nhôm ở Lâm Đồng thực hiện check in bằng mã QR khi đến nơi làm việc. |
Theo đại diện Bkav - đơn vị phát triển ứng dụng Bluezone, biện pháp check in nơi công cộng giúp truy vết nhanh các nơi phát sinh ổ dịch như nhà hàng, chợ. Ngoài ra, việc thường xuyên check in bằng mã QR trên Bluezone cũng giúp tăng hiệu quả ghi nhận tiếp xúc.
Lưu “mốc dịch tễ” bằng mã QR, truy vết người nghi nhiễm bằng Bluezone và khai báo y tế trên NCOVI sẽ tạo thành một bộ công cụ giúp phát hiện sớm, khoanh vùng hiệu quả và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đây là cách mà các công nghệ số Make in Vietnam len lỏi và giải các bài toán trong cuộc sống.