Elon Musk bị chỉ trích là 'đạo đức giả' khi đầu tư Bitcoin 1,5 tỷ USD

24/02/2021 08:42

Trong bộ hồ sơ mà Tesla công bố đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin, hãng xe điện cho biết sứ mệnh của họ là "đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang dùng năng lượng bền vững". Tuy nhiên, lời nói của Tesla không đi đôi với hành động, chủ tịch tập đoàn Yuri, nhà sáng lập nền tảng NRG Nhật Bản, Yuriy Humber phê phán.

Nhiều câu hỏi được đặt ra ngay sau khi một tập đoàn có giá trị vốn hóa lên đến gần 800 tỷ USD chi ra 1,5 tỷ USD để mua tiền điện tử. Nhưng có lẽ, vấn đề năng lượng mới là thứ đáng lưu tâm nhất trong động thái lần này của Tesla.

Hôm 12/2, Giám đốc điều hành Elon Musk đã úp mở về kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ở bang Texas (Mỹ). Song nơi đây vừa hứng chịu trận bão tuyết khắc nghiệt khiến mạng lưới điện toàn bang tê liệt. Humber nêu rõ: "Lẽ ra Tesla cần đề cao giảm tiêu thụ điện năng trong danh sách ưu tiên vào thời điểm hiện nay".

Để đào được Bitcoin, người ta cần sử dụng máy tính, thường là những dàn máy chuyên dụng được kết nối với mạng lưới tiền điện tử. Nhiệm vụ của chúng là giải các câu đố toán học và nhận được phần thưởng là một vài Bitcoin.

Tổng mức tiêu thụ năng lượng của mạng lưới Bitcoin mỗi năm vượt quá nhu cầu điện hàng tháng của toàn nước Nhật. Tuy nhiên, Nhật Bản cung cấp điện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và phục vụ người dân. Trong khi điện năng tiêu hao vào đào Bitcoin chỉ có tác dụng tạo ra nhiều đồng tiền ảo hơn mà không mang lại lợi ích nào khác.

Trước mắt, Humber không nhìn nhận Bitcoin như một công cụ tài chính, giao dịch và xã hội. Đứng dưới góc nhìn bảo vệ năng lượng, ông mô tả Bitcoin như "một loài ký sinh". Để có được nhiều Bitcoin, độ phức tạp của các câu đố toán học sẽ dần khó lên, đòi hỏi khả năng xử lý ngày càng nhiều và khiến năng lượng tiêu hao cứ thế mà tăng.

Chỉ trong 4 năm qua, mức tiêu thụ điện của mạng lưới Bitcoin toàn cầu đã tăng gấp 8 lần, theo thông tin từ Digicomist, một nền tảng theo dõi tác động của những xu hướng kỹ thuật số. Ở thời điểm hiện tại, máy đào Bitcoin đã tiên tiến và khai thác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn tiêu thụ gần một nửa lượng điện để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới, nghiên cứu của nhà sáng lập Digicomist Alex de Vries cho biết.

Ước tính lượng khí thải carbon do quá trình đào Bitcoin gây ra rơi vào khoảng 36,95 triệu tấn CO2 mỗi năm. Con số này tương đương với mức khí thải của New Zealand, hay 10% lượng khí hàng năm mà ngành công nghiệp năng lượng Nhật Bản gây ra. Được biết, quốc gia mặt trời mọc đa phần sử dụng năng lượng hóa thạch và cũng là thị trường tiêu thụ điện lớn thứ 3 thế giới.

Nhưng tất cả những điều trên liên quan gì đến Elon Musk và sự ủng hộ của ông đối với Bitcoin? Xét cho cùng, Tesla không tạo ra Bitcoin. Công ty vốn dĩ cũng chỉ là một bên mua tham gia thị trường tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng hiện nay.

Do quá phụ thuộc vào điện, việc khai thác Bitcoin chỉ thu lời khi cán cân giá điện và Bitcoin mất cân bằng. Theo ước tính của Fundstrat Global Advisors 3 năm về trước, mức hòa vốn cho mỗi đồng Bitcoin đào được là 8.038 USD (khoảng 184,2 triệu đồng). Ở thời điểm hiện tại, giá điện không có nhiều biến chuyển đáng kể nên có thể đặt ra giả định rằng chi phí khai thác Bitcoin vẫn giữ nguyên.

Thông báo đầu tư của Tesla khiến giá đồng tiền này tăng lên mức kỷ lục. Việc hãng đẩy dồn sự quan tâm và chuyển đổi lượng lớn tiền mặt sang dạng tài sản ảo như Bitcoin đã khiến hoạt động khai thác tiền ảo sinh lời hơn 20%.

Tác động của cú nhảy vọt về giá trị Bitcoin được thể hiện ở hashrate, tức tỷ lệ đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào. Sức mạnh tính toán của mạng lưới Bitcoin đã tăng từ khoảng 95 triệu terahash/giây vào đầu năm 2020 lên 166 triệu terahash/giây ngày 9/2, theo Blockchain.com.

Tỷ lệ này tăng khoảng 6% chỉ sau thông báo của Tesla. Nói cách khác, động thái mà Elon Musk đưa ra đã đẩy lượng tiêu tốn điện và khí thải CO2 của Bitcoin tăng khoảng 6%. "Liệu Tesla có đưa những số liệu đó vào báo cáo tiếp theo của hãng về tác động công nghiệp đối với môi trường hay không? Quan trọng hơn cả, khoản đầu tư này có ý nghĩa gì với mục tiêu phát triển năng lượng bền vững của Tesla?", Humber đề ra nghi vấn.

Tất nhiên, Tesla luôn có thể lập luận rằng lượng khí thải CO2 dựa trên nguồn năng lượng điện được sử dụng để tạo ra Bitcoin và "chúng ta hoàn toàn làm chủ được điều đó", ông nói thêm

Hai phần ba hoạt động khai thác Bitcoin diễn ra ở Trung Quốc, quốc gia có lượng khí thải CO2 lớn nhất thế giới và địa điểm khai thác tiền mã hóa lớn nhất tập trung ở khu vực Tân Cương, nơi cung cấp nhiệt điện than trữ lượng lớn.

Xếp sau Trung Quốc là Mỹ. Đây cũng là nước thải khí CO2 nhiều thứ 2 toàn cầu. Điện là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống. Việc đưa các nguồn tài nguyên có hạn đó chuyển sang máy tính để giải thuật toán đào tiền điện tử sẽ vô tình tạo áp lực lớn cho toàn xã hội.

Tháng 1 vừa qua, sau khi trải qua nhiều tuần mất điện, chính quyền Iran đã siết chặt quản lý các trung tâm khai thác Bitcoin địa phương. Họ cho rằng những trung tâm này đã lợi dụng nguồn điện giá rẻ trong nước để tự do khai thác Bitcoin.

Có thể Musk đã nghĩ ra một kế hoạch lớn cho Bitcoin trong tương lao. Tất nhiên, chúng ta không thể hiểu rõ khối óc và tâm trí của một thiên tài. Nhưng cũng có thể Musk chẳng hề nghĩ gì sâu xa. Tóm lại, anh ấy không liên quan và cũng không cần chịu trách nhiệm đối với việc Bitcoin tác động lên năng lượng điện toàn thế giới. Mạng lưới tiền mã hóa là một hệ thống phi tập trung và không ai có thể đứng ra kiểm soát vấn đề sử dụng điện.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Elon Musk bị chỉ trích là 'đạo đức giả' khi đầu tư Bitcoin 1,5 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO