Cống ngăn mặn ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long

HAI LAM (tổng hợp)| 28/09/2021 12:24

Cống ngăn mặn đem lại hiệu quả cao trong ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

du-an-bong-bot.jpg
Cống ngăn mặn Bông Bót đặt tại tỉnh Trà Vinh

Sau 1 năm đưa vào hoạt động, cống ngăn mặn Bông Bót đặt tại tỉnh Trà Vinh đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần lớn vào phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn.

Ngăn mặn, thoát lũ hiệu quả

Đó là kết quả nghiệm thu vừa được Công ty Bosch Rexroth Việt Nam - đơn vị tham gia thiết kế, cung cấp thiết bị thủy lực sử dụng trong các dự án ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long - công bố.

Theo đó, cống Bông Bót bắt đầu đưa vào hoạt động từ ngày 22/9/2020. Cống sử dụng 6 xi lanh thủy lực cỡ lớn, được thiết kế đặc biệt để có thể vận hành trong môi trường độ mặn cao, tuổi thọ đến 50 năm. Vào mùa khô, tất cả cửa cống đóng lại để ngăn mặn vào nội đồng và trữ nước ngọt cho các kênh. Cửa cống sẽ được mở để thoát nước và tàu thuyền lưu thông.

Vào mùa mưa, tất cả cửa cống đều mở và được di chuyển tùy thuộc vào mực nước chênh lệch giữa mặt sông và mặt kênh. Trong trường hợp mực nước dâng cao do mưa bão, các cống sẽ được mở để giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra.

Ông Hồ Sỹ Sơn, kỹ sư dự án Bosch Rexroth Việt Nam, cho biết: “Để ngăn nước mặn trên các sông, các cống ngăn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng các cửa cống rộng 15 – 40m. Các cửa cống này thường sử dụng xi lanh thủy lực để vận hành đóng mở. Có thể hiểu rằng, thành công trong điều khiển cống ngăn mặn phụ thuộc khá nhiều vào hệ thủy lực điều khiển nâng hạ cửa cống”.

Các cống ngăn mặn vận hành hiệu quả đã góp phần cải thiện năng suất vụ lúa đông xuân (cuối năm 2020, đầu năm 2021) ước tính đạt 10,7 triệu tấn - tăng 144.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Năng suất lúa ước đạt trên 7 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha - cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Cần thêm nhiều cống ngăn mặn

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy hằng năm, nước biển vẫn chảy ngược vào sông Cửu Long theo dòng chảy tự nhiên, nhưng tình trạng xâm thực chưa bao giờ ở mức đáng báo động đến vậy. Vào tháng 1/2020, xâm nhập mặn đã tăng cao so với ranh mặn 4g/lít ở 2 nhánh sông Vàm Cỏ, vào khoảng 82 - 85 km, cao hơn năm 2016 từ 18 - 20km; vùng cửa sông Cửu Long từ 45 - 66 km, cao hơn năm 2016 từ 6 - 17 km. Độ mặn tăng cao do nhiều yếu tố - lòng sông ngày càng sâu và thiếu nước ngọt từ hạ lưu vào đồng bằng.

Mặt khác, độ mặn cao xảy ra do tác động của biến đổi khí hậu. Hằng năm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra ngập lụt vào mùa mưa. Nước ngọt từ thượng nguồn tràn qua đồng bằng và đổ ra biển. Đến tháng 3, nước sẽ cạn kiệt, làm độ mặn tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng này thường sẽ diễn ra trong một tháng cho đến khi gió mùa xuất hiện và lưu vực sông Cửu Long sẽ ngập lụt trở lại. Thế nhưng, vào năm 2020, khu vực này đã không được lấp đầy trong nhiều tháng liền. Năng suất ruộng lúa và vườn cây ăn quả giảm 30-70%. Khoảng 96.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Đến nay đã có nhiều dự án đưa vào khai thác sử dụng kiểm soát mặn, ví dụ như: Dự án Cống Âu thuyền Ninh Quới; Hệ thống thủy lợi Trạm bơm cống Xuân Hòa, cống Tân Dinh - Bông Bót, Vũng Liêm. Đây là những dự án giúp kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Nam Măng Thít; Kênh May Phốp - Ngã Hậu và hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre...

“Thiên tai và điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể là thách thức đối với cuộc sống của người dân ở các địa phương. Với công trình cống ngăn mặn Bông Bót, Bosch Rexroth đã góp phần phát triển thành công các giải pháp bền vững nhằm ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Lê Hoàng Việt, giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam, chia sẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cống ngăn mặn ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO