Nghệ tên khoa học là Curcuma longa L, tên thuốc là Khương hoàng, nghệ lát khô là Can khương hoàng, củ nghệ con là Uất Kim.
Nghệ thuộc cây thân cỏ, cao 0,6 - 1 m. Thân rễ to, phân nhánh thành nhiều củ hình bầu dục, có ngấn, màu vàng sẫm đến đỏ cam, mùi thơm.
Theo Đông y, nghệ tính nóng dữ, vị đắng, tán huyết rất mạnh, có thể phá huyết tích, lành được vết thương, lên da non. Uất kim tính thuần, nhẹ hơn nghệ nên dùng được lâu. Người ta hay lấy nghệ giả Uất kim.
Tinh nghệ là bột nghệ vàng sáng ánh kim, được chắt lọc phơi sấy sau khi xay củ nghệ với nước.
Không chỉ là một loại gia vị, nghệ còn có dược tính mạnh, công dụng phá huyết tắc, tan huyết nghẽn mà các loại thuốc thảo mộc khác làm không tới, chậm (Gừng, Tam thất, Quế, Xích thược, Đan bì, Bạch thược, Xuyên khung, Hồng hoa, Đào nhân). Nên nghệ sẽ ứng dụng ở bệnh ung, tích tụ gây khối cứng, đau dữ dội hoặc tắc kinh đau ác liệt.
Trong Đông y, nghệ là vị thuốc dùng để chữa các chứng kinh nguyệt không đều, bế kinh, ngực bụng trướng, đau tức, khó thở, sau khi sinh bị ứ huyết, kết cục gây đau bụng, hoặc bị chấn thương phần mềm gây ứ máu, dạ dày viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da.
Vì có dược tính mạnh và công dụng đa dạng, Đông y cho rằng nghệ có tính phá huyết tích nên dùng ít, dùng nhiều phải là người khoẻ, dùng thời gian ngắn, kèm các loại Huyết dược có tính bổ, mát máu như Thục địa, Sanh địa, Hà thủ ô, Đương quy, Bạch thược.
Dùng lâu nên dùng Uất kim hoặc Tinh nghệ vì khả năng kháng viêm mạnh, cầm máu, lên da non, liền vết thương rất chóng.
Theo y học hiện đại nghệ hỗ trợ chữa các bệnh như:
Chữa thổ huyết, chảy máu cam: Nghệ vàng tán nhỏ, ngày uống 4 -6g với nước chín. Hoặc dùng nghệ vàng phối hợp với mộc hương, hoàng bá, chích cam thảo để thanh nhiệt, lương huyết, giúp cầm máu.
Ngực sườn đau trướng: Thường dùng nghệ vàng phối hợp với hương phụ, mộc hương, nga truật có tác dụng lý khí chỉ thống, hay gặp trong trường hợp khí uất trệ, gây ra đau vùng mạng sườn và dạ dày.
Đi tiểu ra máu: Dùng nghệ vàng phối hợp với cù mạch, sinh địa, hoạt thạch để thanh nhiệt, chỉ huyết, lợi tiểu.
Vàng da: Dùng nghệ vàng, nghệ đen, củ gấu, quả quất non trộn với mật ong làm viên uống.
Ngoài ra còn có: hoạt tính kháng viêm; hoạt tính chống loét dạ dày và loạn tiêu hoá; tác dụng kháng khuẩn; lợi mật.
Đặc biệt trong nghệ có chứa Curcumin một chất vô cùng quý hiếm và tốt cho sức khỏe. Curcumin ở nhiều nước trên thế giới được coi như vừa là thuốc vừa là thực phẩm chức năng giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư, viêm loét dạ dày tá tràng, giải độc gan, tăng sức đề kháng của cơ thể.
Curcumin có thể hữu ích trong phòng chống và điều trị bệnh Alzheimer, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng curcumin rất có lợi chống lại trầm cảm,...
Nghệ còn được dùng chữa khí huyết ứ trệ, thổ huyết, đau vùng sườn, ra máu cam, tiểu ra máu.
Trong y học Ấn Độ, nghệ được sử dụng để kích thích tiêu hóa, bổ và lọc máu, chữa sốt rét, trộn với sữa nóng trị cảm lạnh. Nước ép nghệ tươi có khả năng chống ký sinh trùng trong nhiều bệnh ngoài da. Dùng bột thân rễ nghệ trộn cùng với vôi được dùng để chữa đau khớp. Cao nước thân rễ Nghệ được dùng cho bệnh nhân có các bệnh về mật.
Trong y học Trung Quốc, nghệ vừa được dùng làm thuốc kích thích, thuốc bổ, thuốc giảm đau, thuốc cầm máu và giúp tăng cường chuyển hoá. Nghệ được chỉ định trong loét dạ dày, loét dạ dày có xuất huyết (phối hợp với các dược liệu khác), tiểu ra máu và các bệnh khác. Bột nghệ dùng ngoài dạng bột giúp mau lành vết thương, chỗ bị trĩ, viêm mủ da và bệnh nấm tóc. Mỗi lần uống 8 – 10 g dạng thuốc sắc hoặc hãm.
Ở Đông Nam Á, nghệ được xem như loại thuốc bổ dạ dày, gây trung tiện, cầm máu, chữa vàng da và một số bệnh gan khác. Dùng nghệ bôi ngoài da chữa ngứa, làm lành các vết thương nhỏ, vết sâu bọ cắn, phát ban trên da, đậu mùa.