Ở phần chế độ ưu tiên trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 của nhiều Sở GD-ĐT Nam Định quy định rõ đối tượng cộng 2 điểm ưu tiên.
Đó là: Con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên"; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Trong đó, quy định nhóm được cộng điểm ưu tiên là "con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945" khiến nhiều người băn khoăn. Họ cho rằng, quy định này "chỉ nằm trên giấy tờ, xa rời thực tế", bởi người hoạt động cách mạng bây giờ đã trên dưới 100 tuổi, mà độ tuổi của học sinh vào lớp 10 thường là 15 tuổi.
"Đối tượng ưu tiên vào lớp 10 trong văn bản này dựa theo quy định của Bộ GD&ĐT", ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định nói.
Theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, điểm a khoản 2 Điều 7 quy định, đối tượng được cộng điểm ưu tiên gồm con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người được cấp "Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên".
Ngày 26/5/2014, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, bổ sung đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên là: “Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945".
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT nói với PV VTC News: "Thông tư được ban hành năm 2014. Khi đó, ban soạn thảo muốn bao quát hết tất cả các đối tượng. Trường hợp này là tính cả con đẻ và con nuôi hợp pháp".
Đến nay, Thông tư đã gần 10 năm, Bộ GD&ĐT đã lên kế hoạch rà soát, xem xét, nếu có những quy định không phù hợp sẽ thay đổi.
Liên quan vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định trên hoàn toàn không còn hợp lý ở thời điểm này. "Học sinh lớp 10 thường là 15 tuổi, vậy có trường hợp nào con cái của những người hoạt động cách mạng nằm trong độ tuổi này không?", ông băn khoăn.
Thực tế những người hoạt động cách mạng đến thời điểm này tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe để nhận con nuôi. Vị đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT cần sớm điều chỉnh để chính sách ban hành phù hợp với tình hình thực tế, phục vụ cho đông đảo đối tượng trong xã hội.