Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH) do Bộ Công an chủ trì xây dựng đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Đáng chú ý, dự thảo luật đề xuất công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng PCCC và CNCH cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.
Thành viên tổ liên gia an toàn PCCC, tổ tự quản ở địa phương... tham gia lực lượng dân phòng.
4 lực lượng nòng cốt trong PCCC và CNCH
Dự thảo luật nêu rõ, lực lượng nòng cốt trong PCCC và CNCH của toàn dân gồm 4 lực lượng: Lực lượng dân phòng; lực lượng PCCC và CNCH cơ sở; lực lượng PCCC và CNCH chuyên ngành; lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Để triển khai, Bộ Công an đề xuất thành lập, quản lý các đội này. Trong đó, tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) phải thành lập đội dân phòng. Tại thôn phải thành lập Tổ dân phòng. Đội, tổ dân phòng do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập, quản lý.
Tại cơ sở phải thành lập Đội PCCC và CNCH cơ sở - do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý.
Đội PCCC và CNCH chuyên ngành là đội PCCC cơ sở được trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới và tổ chức để đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở quyết định thành lập, quản lý.
Tại các cơ sở sau đây phải thành lập đội PCCC và CNCH:
- Các Kho: Dự trữ cấp Quốc gia, dự trữ cấp Bộ, ngành; Kho dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ dung tích trên 50.000m3;
- Cảng hàng không quốc tế, nội địa; cảng biển Loại đặc biệt, Loại I và Loại 2;
- Cơ sở sản xuất: Nhà máy nhiệt điện công suất từ 200 MW trở; Nhà máy thủy điện công suất từ 300 MW trở lên; Nhà máy điện hạt nhân; Nhà máy giấy công suất trên 35.000 tấn/năm; Nhà máy dệt công suất trên 20 triệu mét vuông/năm; Nhà máy xi măng công suất trên 1 triệu tấn/năm; Nhà máy phân đạm công suất từ 180.000 tấn/năm trở lên; Nhà máy thép công suất từ 300.000 tấn phôi thép/năm trở lên; Nhà máy lọc dầu, lọc hóa dầu, hóa dầu; cơ sở chế biến khí đốt công suất từ 15 triệu m3 khí /ngày đêm trở lên; cơ sở khai thác khoáng sản công suất từ 300.000 tấn/năm trở lên
- Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tổng diện tích từ 50 ha trở lên.
Dự thảo luật nêu rõ, quyết định thành lập đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành phải được cơ quan ban hành gửi tới cơ quan Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn đó.
Lực lượng dân phòng, PCCC, CNCH cơ sở và chuyên ngành được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH; đồng thời chịu sự điều động của cấp có thẩm quyền.
Đội trưởng, đội phó và thành viên đội dân phòng, đội PCCC và CNCH cơ sở không chuyên trách được hưởng chế độ hỗ trợ thường xuyên.
Ngoài ra, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ sở, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có trách nhiệm tạo điều kiện, khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia vào công việc này.
"Người tình nguyện tham gia PCCC và CNCH được bổ sung vào đội dân phòng hoặc đội PCCC và CNCH cơ sở", dự thảo luật nêu.
Vì sao đề xuất như trên?
Lý giải đề xuất nêu trên, Bộ Công an cho rằng việc đưa các thành viên của tổ liên gia an toàn PCCC tham gia vào Đội dân phòng ở khu dân cư nhằm bảo đảm về số lượng và chất lượng các Đội dân phòng ở khu dân cư trên địa bàn cả nước.
Thành viên của tổ liên gia an toàn PCCC thường xuyên có mặt tại nơi cư trú, do vậy sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội PCCC dân phòng trong việc phát hiện thiếu sót trong công tác PCCC tại khu dân cư. Từ đó kịp thời tham mưu cho lãnh đạo UBND cấp xã làm tốt công tác PCCC và cứu nạn tại khu dân cư.
Việc đó cũng tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng phương tiện PCCC đồng bộ với quy định Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm các chi phí thực hiện các thủ tục hành chính về quản lý chất lượng phương tiện PCCC.
Không những vậy, quy định trên sẽ tạo cơ sở pháp lý về thực hiện lập đội PCCC chuyên ngành, bổ sung thành viên trong tổ liên gia an toàn PCCC tham gia vào Đội dân phòng.
Trang bị phương tiện PCCC đối với cơ sở, thôn, hộ gia đình và phương tiện giao thông cơ giới phù hợp với quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC….
"Những địa chỉ" còn phức tạp về cháy, nổ những năm tới
Bộ Công an nhận định, những năm tới tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn tới số lượng dự án, công trình xây dựng, phương tiện giao thông, nhu cầu sử dụng năng lượng, khí đốt, hóa chất tiếp tục tăng cao.
"Sự gia tăng về dân số, mật độ dân cư tại các khu đô thị, thành phố lớn sẽ tiếp tục là những yếu tố trực tiếp tác động đến tình hình công tác PCCC và CNCH", Bộ Công an dự báo.
Tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện, nhất là tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh… sẽ là nguyên nhân gây cháy cao nếu không có các giải pháp quyết liệt.
Đặc biệt, tình hình cháy, nổ dự báo sẽ vẫn diễn biến phức tạp tại các khu dân cư cũ, tồn tại lâu đời, nhất là loại hình nhà dân vừa để ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ.
Các chợ, trung tâm thương mại, nhà chung cư, nhà cao tầng, khu công nghiệp, cơ sở xăng dầu, dầu khí, vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất cảng hàng không, cơ sở có tập trung đông người, rừng, các công trình trọng điểm về văn hóa, du lịch… vẫn là các đối tượng cần tập trung để phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn.
"Những vấn đề bất cập, hạn chế trong quy hoạch hạ tầng giao thông, nguồn nước hiện nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới công tác chữa cháy, CNCH trong thời gian tới", Bộ Công an nêu quan điểm trong tờ trình.