Sau ba tháng, kể từ khi Thông tư 80/2021/TT-BTC có hiệu lực, ngày 21/3 vừa qua, Tổng cục Thuế đã tổ chức lễ công bố Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).
Việc triển khai quy định mới này sẽ tháo gỡ vướng mắc về khung pháp lý nhiều năm nay, giờ đây các doanh nghiệp xuyên biên giới có thể trực tiếp nộp thuế cho doanh thu từ các giao dịch với khách hàng cá nhân Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế) chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Phụng |
Ông Phụng cho biết: Trong những năm gần đây, một số DN nước ngoài đã cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam theo phương thức xuyên biên giới. Tuy nhiên, chúng ta mới thu được phần thuế qua cơ chế thuế nhà thầu.
Theo quy định trong Thông tư 103/2014/TT-BTC về Hướng dẫn nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài nhận thu nhập từ Việt Nam thông qua việc bán hàng hóa, dịch vụ vào Việt Nam phải có nghĩa vụ nộp thuế. Với quy định này, từ năm 2014, chúng ta đã có quy định giao nhiệm vụ cho các tổ chức Việt Nam như ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo,..v.v., khi trả tiền cho bên nước ngoài thì phải giữ lại tiền thuế gọi là thuế nhà thầu.
Tuy nhiên, quy định này chưa thu được thuế từ các giao dịch giữa các DN xuyên biên giới với khách hàng là người dùng cá nhân tại Việt Nam. Chẳng hạn, Công ty Netflix cung cấp dịch vụ thì tiền của người dùng cá nhân sẽ trả thẳng cho công ty, do đó chưa thu được thuế. Như vậy, tuy Việt Nam đã có khung pháp lý để thu thuế các đơn vị này, nhưng quy định chưa đầy đủ dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc thực thi.
Nhận thức được những bất cập này, Bộ Tài chính đã xây dựng Luật quản lý thuế cùng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn nhằm khắc phục những thiếu sót trong việc thu thuế xuyên biên giới. Luật quản lý thuế lần này đã tạo bước ngoặt lớn trong việc quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam tạo hành lang pháp lý vững chắc cho cơ quan quản lý thuế cũng như đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.
- Việc thu thuế tới đây sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ngoài các văn bản pháp luật kể trên, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ Đề án quản lý thuế đối với TMĐT. Đề án được xây dựng rất công phu, có nhiều giải pháp cụ thể, và đang được triển khai một cách tích cực.
Đặc biệt, đối với nhà cung cấp nước ngoài thì chúng ta áp dụng song song hai cơ chế. Một là cơ chế thuế nhà thầu nước ngoài, hai là Cổng thông tin điện tử, để người nước ngoài khai trực tiếp.
Nhưng chúng tôi khuyến cáo là cơ chế nộp qua Cổng thông tin điện tử sẽ tốt hơn, minh bạch hơn. Thông qua Cổng thông tin điện tử, DN nước ngoài cung cấp dịch vụ ở Việt Nam thì sẽ kê khai và nộp thuế đầy đủ cho cơ quan quản lý nhà nước. Cổng thông tin này sẽ khắc phục tình trạng trước đây DN nước ngoài không biết kê khai và nộp thuế ở đâu.
Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài ra mắt ngày 21/3 |
- Cổng thông tin điện tử sẽ hoạt động thế nào, thưa ông?
Cổng thông tin điện tử do Cục thuế doanh nghiệp lớn là đơn vị chủ trì, cùng các vụ chức năng khác xây dựng và quản lý. Cổng thông tin sẽ giúp các DN nước ngoài không có hiện diện ở Việt Nam có thể đăng ký, kê khai và nộp thuế.
Sau khi thực hiện thành công thủ tục đăng ký thuế lần đầu, Cổng thông tin gửi thông tin về tài khoản giao dịch điện tử và mã số thuế vào địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký để thực hiện các thủ tục về thuế trên Cổng thông tin. Căn cứ theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu nhận được, DN sẽ nộp số thuế tương ứng bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN cho cơ quan quản lý thuế.
Bên cạnh đó, Cổng thông tin cũng có chức năng tra cứu thông tin lưu trên hệ thống, phục vụ cho hoạt động thanh kiểm tra định kỳ của ngành thuế.
- Ông kỳ vọng hệ thống này sẽ cải thiện việc thu thuế đối với lĩnh vực này như thế nào?
Trong thời gian qua, ngành thuế đã thu được gần 5.000 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, chủ yếu thu qua cơ chế thuế nhà thầu. Với cơ chế thu thuế mới, con số này sẽ tiếp tục tăng lên, ước tính khoảng 20-30% mỗi năm.
Trong quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy từ lúc có Thông tư 80, các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lớn như Google, Facebook, Netflix đều bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng nộp thuế. Các doanh nghiệp đều khẳng định rằng công cụ này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên vì chính sách rõ ràng, quy trình minh bạch, thủ tục thuận lợi, có công cụ kiểm tra, khai thuế, nộp thuế. Họ cũng hiểu được rằng, muốn kinh doanh lâu dài ở một đất nước thì phải chấp hành nghĩa vụ nộp thuế.
Trong công tác quản lý, chúng tôi sẽ có những biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành thuế để thực hiện kiểm tra, kiểm soát xác định nghĩa vụ của từng bên theo chức năng nhiệm vụ được giao.
- Xin cảm ơn ông!
Bình An (thực hiện)