Công chức, viên chức chuyển từ khu vực công sang khu vực tư: Không đáng lo ngại!

20/09/2022 07:34

Trước hiện tượng công chức, viên chức chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân là vấn đề tiền lương; đồng thời cho rằng, điều này là bình thường vì trong nền kinh tế thị trường, lao động của khu vực công cũng như tư đều đóng góp cho sự phát triển, tăng trưởng của đất nước.

Xem thêm: Vì sao nhiều nhân viên y tế rời bệnh viện công sang bệnh viện tư?

Công chức, viên chức chuyển từ khu vực công sang khu vực tư: Không đáng lo ngại!
Một phòng khám tư tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

Chuyển dịch nhiều sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực  

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - cho rằng, nếu lương công chức, viên chức trong đó có ngành Y tế thấp thì thường xảy ra tình trạng bỏ việc, chuyển việc của những đối tượng này. Đối với những trường hợp chuyển việc, hầu hết là cán bộ nhiều kinh nghiệm, gây cho khu vực công quá tải công việc vì phải gánh công việc của người chuyển đi.

Ngoài ra, nếu lương không đủ để trang trải cuộc sống gia đình thì nhân viên y tế sẽ phải đi làm thêm nghề khác để có thêm thu nhập, sẽ mai một chuyên môn, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ bệnh nhân.

Theo bà Bình, người làm chuyên môn, tốt nhất là không phải lo đến cơm áo gạo tiền thì mới tập trung vào chuyên môn; nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, có thể dẫn đến tiêu cực.

Bày tỏ quan điểm trước tình trạng một bộ phận công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho rằng, lương thấp là một trong những nguyên nhân. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang tư hoặc ngược lại là việc bình thường. Quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc là quyền hiến định của công dân, phải tôn trọng và bảo đảm quyền quan trọng đó.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc chuyển dịch nhiều, với tỉ lệ đáng kể sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số ngành, lĩnh vực ở khu vực công như thời gian vừa qua. Do đó, cần phân tích, đánh giá kỹ để sớm có giải pháp khắc phục.

Ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, sẽ có nhiều đoàn viên, người lao động chung suy nghĩ, đó là lựa chọn việc làm không chỉ bởi lý do thu nhập. Môi trường làm việc, công việc yêu thích, khát vọng cống hiến và nhiều yếu tố nữa sẽ được công chức, viên chức cân nhắc. Nhất là khi đất nước đang khó khăn sau đại dịch COVID-19 và những yếu tố bất lợi của tình hình thế giới thì mỗi đoàn viên, người lao động cần thấy trách nhiệm của mình, chia sẻ khó khăn với đơn vị, ngành và đất nước, cần nỗ lực để đưa đất nước tiến lên.

Có phải “chảy máu chất xám”?  

Bình luận về việc công chức, viên chức chuyển sang khu vực công, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho biết: “Có người nói với tôi đây là hiện tượng “chảy máu chất xám”, nhưng theo tôi thì không phải như vậy”.

TS Bùi Sỹ Lợi giải thích, vì trong nền kinh tế thị trường, lao động của khu vực công cũng như tư đều đóng góp cho sự phát triển, tăng trưởng của đất nước. Nếu khu vực công sử dụng người lao động không hiệu quả và trả lương không đúng chi phí lao động thì sang khu vực tư để có tiền lương cao hơn, phát huy được năng lực sáng tạo thì điều này không có gì phải băn khoăn cả, nhất là khi chúng ta đang xây dựng một thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hiệu quả và hội nhập.

“Việc chuyển dịch này là một quy luật tất yếu và rõ ràng là đang tiến tới một thị trường lao động mà khu vực tư và công phải công bằng nhau. Như vậy, cần coi chuyển dịch từ khu vực công sang tư và ngược lại là việc bình thường, nhưng cần phải nhận thức rõ một số vấn đề về lý luận, thực tiễn, cần phải tính đến vấn đề tổ chức sắp xếp bộ máy, cải cách chính sách tiền lương, trả công chi phí cho người lao động để có thị trường lao động thể hiện được giá trị của sức lao động mà người lao động bỏ ra” - TS Bùi Sỹ Lợi bình luận.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, xã hội không nên đặt vấn đề quá nặng nề là trong biên chế hay ngoài biên chế như thời bao cấp, mà vấn đề là năng suất lao động cao hay không cao, cống hiến nhiều hay ít. Điều đó thể hiện bằng việc chi trả tiền ương và thu nhập cho người lao động. “Phải coi tiền lương như một thước đo về giá trị sức lao động, đánh giá hiệu quả, năng lực công tác của cán bộ, công chức, người lao động” - TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Đến năm 2026: Giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức
    Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương hoàn thành dứt điểm việc sắp xếp các tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; rà soát tiếp tục sắp xếp và cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, giảm đầu mối và đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm đến 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Công chức, viên chức chuyển từ khu vực công sang khu vực tư: Không đáng lo ngại!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO