Công an TPHCM quyết không để tội phạm lừa đảo ‘còn đất sống’!

Nhóm PV| 08/10/2021 11:17

(CATP) Trước thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang nở rộ trong xã hội, Bộ Công an mới đây đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt nhắm mạnh vào các đối tượng, đường dây chuyên lừa đảo. Sau chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TPHCM đã tổ chức rà soát, quyết liệt đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hồi chuông đáng báo động!

Yêu cầu Ban giám đốc Công an TPHCM đặt ra với các đơn vị nghiệp vụ và Công an 21 quận - huyện cùng TP.Thủ Đức là phải tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật 100% tố giác, tin báo về tội phạm; đồng thời khám phá nhanh, xử lý nghiêm các hành vi “” để răn đe!

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, PGĐ CATP cảnh báo đến cử tri, người dân về tình trạng phạm pháp lừa đảo trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 7-10

Báo cáo mới nhất của Bộ Công an cho thấy từ năm 2015 – 2019, cả nước đã khởi tố 10.360 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 11.410 bị can, chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng hơn 2.000 vụ/năm. Tuy nhiên, chỉ từ ngày 25-5-2020 đến 24-5-2021 (trong vòng 01 năm), trước những tác động của dịch Covid-19 cùng những khó khăn về kinh tế - xã hội, cả nước phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một con số hết sức báo động!

Về nguyên nhân, theo Bộ Công an, những tác động của tình hình kinh tế, xã hội đến đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội là một trong các nguyên nhân làm gia tăng tội phạm và phức tạp vềan ninh trật tự, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lí do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn có đất sống, phần lớn là do là một bộ phận quần chúng nhân dân nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác.

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật trên một số lĩnh vực có liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; công tác phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội còn chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Cấp ủy, người đứng đầu một số địa phương còn chưa quyết liệt trong chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các quy định về dịch vụ mạng Internet, mạng viễn thông, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi cho nhân dân đăng ký, sử dụng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng là điều kiện để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động và đối phó với sự phát hiện, đấu tranh của cơ quan chức năng.

Những chiêu trò xảo quyệt

Bộ Công an chỉ rõ, các thủ đoạn lừa đảo 'truyền thống' lâu nay các đối tượng lừa đảo hay thực hiện như: giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người nhà lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, "chạy chức", "chạy án", xin dự án, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý, cây cảnh, lan đột biến, huy động vốn đầu tư đáo hạn ngân hàng, quyên góp từ thiện… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bọn lừa đảo ngày một đa dạng trong phương thức, thủ đoạn hoạt động. Chúng luôn chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch trước khi thực hiện hành vi phạm tội, khiến “con mồi” không kịp trở tay.

(ngụ P21, Q.Bình Thạnh) – đối tượng đang bị cơ quan công an truy tìm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Đơn cử, vào tháng 3/2021, Cơ quan CSĐT Công an Q3 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn thông qua hình thức huy động vốn đáo hạn ngân hàng.

Bị hại trong vụ án này là anh Đinh Viết Hân (quê Khánh Hoà). Theo đơn tố giác, anh Hân và Đinh Thị Thùy Linh (SN 1988; trú tại 2 địa chỉ: số 72 Nguyễn Văn Lạc, P19, Q.Bình Thạnh và căn hộ 20.5 lô E1, chung cư Mỹ Đức, P21, Q.Bình Thạnh) có mối quan hệ với nhau từ trước.

Trong các cuộc gặp gỡ, Linh thường xuyên than thở cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn, hàng ngày bị các nhóm cho vay nặng lãi khủng bố, không để yên thân, trong khi lại phải gồng gánh nuôi con nhỏ. Linh còn “bắn tin” hiện cô ta đang tố cáo các băng nhóm này lên công an, và nếu không “tìm thấy công lý”, sẽ tính đường “quyên sinh” (!).

Cùng một tài khoản FE Credit nhưng vào 2 thời điểm khác nhau, đối tượng gửi cho anh Đinh Viết Hân (1) và một nạn nhân khác (2) để lừa tiền

Trung tuần tháng 12-2020, Linh đề cập với anh Hân rằng cô ta có mối đáo hạn ngân hàng rất uy tín. Nhưng do không có vốn nên phải lấy nguồn tiền bên ngoài của giang hồ, với lãi suất “cắt cổ”, mong anh Hân đưa vốn cho Linh để hợp tác, cùng nhau chia lợi nhuận. Anh Hân đồng ý đưa tiền cho Linh với điều kiện cô ta phải thật sự làm đáo hạn ngân hàng cho khách chứ không được lấy tiền dùng vào mục đích khác.

Trong vòng 2 ngày (22 và 24-12-2020), anh Hân đã chuyển 480 triệu đồng từ tài khoản của mình (ngân hàng Vietcombank) đến tài khoản của Linh (ngân hàng Teachcombank). Mấy ngày sau, Linh bất ngờ cắt đứt mọi liên lạc. Tá hoả, anh Hân cất công đi tìm hiểu thì phát hiện, nhiều thẻ ngân hàng (tức khách có nhu cầu đáo hạn) là không có thật, được Linh nguỵ tạo, rồi gửi cho nhiều người khác nhau với mục đích huy động tiền.

Dẫn chứng, chỉ với một tài khoản tín dụng của FE Credit mang tên Đặng Thanh Oanh Kiều nhưng vào 2 thời điểm khác nhau, Linh dùng để gửi cho anh Hân (vào tháng 12-2020) và cho thêm một nạn nhân khác (vào tháng 9-2020), thông báo “khách hàng” này có nhu cầu vay đáo hạn với số tiền giống nhau. Khi xác minh trực tiếp chủ thẻ thì anh Hân mới vỡ lẽ, chủ thẻ không có nhu cầu làm đáo hạn nào vào cả 2 thời điểm trên và họ cũng chẳng biết Đinh Thị Thuỳ Linh là ai (!). Sau đó anh Hân đành tố giác vụ việc lên cơ quan công an.

Nhận thấy đây là một vụ có dấu hiệu tội phạm với tính chất xảo quyệt, phức tạp, Thượng tá Trần Hồng Minh (Trưởng Công an Q3) và Thượng tá Trần Thuỵ Thảo Trinh (Phó trưởng Công an Q3 – phụ trách điều tra) đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc điều tra, làm rõ. Sau nhiều tháng xác minh, Công an Q3 ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Về phần Linh, hòng chạy tội, đã mượn sức ép dư luận, đứng ra kêu oan trên báo chí, tung tin giả hạ thấp uy tín lực lượng công an để… chạy tội! Trong đó, có một cơ quan báo chí vì chưa xác minh kỹ bản chất vụ việc nên vô tình để “nữ quái” này xuất hiện trong một cuộc hội thảo để diễn trò của một nạn nhân. Trong khi đó, dù nhiều lần được cơ quan công an triệu tập, Linh vẫn không hợp tác, liên tục lẩn trốn nhiều nơi. Tại 2 nơi Linh đăng ký cư ngụ, cơ quan công an đã đến xác minh nhưng không tìm ra tung tích.

Tuy nhiên, với quyết tâm đấu tranh, phòng chống tội phạm, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an và Công an TPHCM, Công an Q3 chắc chắn sẽ sớm có biện pháp lần ra được nơi đối tượng đang ẩn nấp để xử lý theo đúng quy định.

Thông qua Báo Công an TPHCM, Cơ quan CSĐT Công an Q3 tiếp tục kêu gọi Đinh Thị Thuỳ Linh đến Đội Cảnh sát Kinh tế Công an Q3 trình diện; hoặc nếu ai biết Đinh Thị Thuỳ Linh ở đâu thì liên hệ điều tra viên (qua số điện thoại 0938.951418) để trình báo.

Cuộc gọi ảo, mất tiền… thật!

Hiện nay, ngoài các thủ đoạn truyền thống, các đối tượng, đường dây lừa đảo còn áp dụng nhiều chiêu bài mới, mang yếu tố công nghệ cao, nổi cộm là giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án hinhg sự, sau đó đe dọa bị hại chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Bài học xảy đến với anh Cao Trung Nghĩa (ngụ P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) là một ví dụ điển hình! Phản ánh đến Báo Công an TP.HCM, anh Nghĩa kể, sáng 6-5, anh nhận được một cuộc gọi lạ, đầu giây là một giọng nữ, tự xưng nhân viên bưu chính viễn thông, đọc cho anh nghe một “bức thư” từ ngân hàng Đông Á chi nhánh Đà Nẵng, nội dung như sau: Vào ngày 3-6-2021, có một người lấy giấy CMND của anh Nghĩa đến ngân hàng Đông Á để mở thẻ tín dụng, sau đó tự quẹt hết 38.960.000 đồng. Do vậy, ngân hàng yêu cầu anh Nghĩa thanh toán số tiền trên.

Lực lượng CA phát thông báo tới người dân cảnh giác những cuộc gọi lừa đảo

Người này yêu cầu anh Nghĩa nếu có thắc mắc gì thì gọi cho Công an TP.Đà Nẵng số “+23449972315” để trao đổi. Tiếp tục liên hệ qua số điện thoại nêu trên, anh Nghĩa được hướng dẫn kết bạn qua zalo để trao đổi qua video call. Màn hình hiện lên một người đàn ông mặc quân phục mang cấp hàm đại uý, tự xưng là “điều tra viên Nguyễn Văn Hưởng thuộc Đội 6, Phòng CSĐT tội phạm Công an Đà Nẵng”. Phía sau, không gian được bài trí giống như một cơ quan công an, khiến anh Nghĩa tin sái cổ.

Anh Cao Trung mất 63 triệu đồng trong tích tắc do bị các đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan điều tra “hù doạ”

Sau những cuộc gọi ảo, đến đây, trò lừa thật bắt đầu! Tay đại uý dỏm thông báo rằng cuộc gọi này được ghi âm làm bằng chứng, đề nghị không cúp máy. Sau cuộc “hỏi cung trực tuyến”, đối tượng khẳng định anh Nghĩa đã dính vào một vụ án rửa tiền, đồng thời gửi cho anh “lệnh bắt tạm giam để điều tra” và “lệnh tịch thu, niêm phong toàn bộ tài sản” từ Viện kiểm sát.

Chiêu bài tinh vi chẳng mấy chốc khiến nạn nhân rơi vào tâm lý hoang mang, từ đó tiết lộ hết tất tần tật mọi thông tin cá nhân. Trong đó, tai hại nhất là bị hại cung cấp cho kẻ lừa đảo cả tên đăng nhập, mật khẩu và cả mã OTP của Internet Banking tài khoản ngân hàng của mình.

Thế là trong tích tắc, đối tượng rút ngay 63 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của anh Nghĩa, chuyển sang một tài khoản ngân hàng Techcombank khác. Đến khi nhận ra vố lừa thì tất cả đã quá muộn màng vì tiền đã mất! Anh Nghĩa chỉ còn biết ra cơ quan công an trình báo, mong sớm tìm ra chân tướng những kẻ lừa đảo mưu mô…

Bộ Công an yêu cầu tấn công mạnh tội phạm lừa đảo

Bộ Công an yêu cầu tấn công mạnh tội phạm lừa đảo

Bài liên quan
  • Lan rộng lừa đảo mạo danh trên không gian mạng Việt Nam
    Nhận định lừa đảo mạo danh trên không gian mạng Việt Nam đang ngày càng lan rộng, trong ‘Điểm tin tuần’ từ ngày 29/4 đến ngày 5/5, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng điểm ra một số hình thức lừa đảo mạo danh người dân cần cảnh giác.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Công an TPHCM quyết không để tội phạm lừa đảo ‘còn đất sống’!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO