Tối 18/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam).
Bà Nguyễn Phương Hằng bị đề nghị truy tố vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Trước đó, VKSND TP.HCM đã gia hạn tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng nghị của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.
Theo cơ quan tố tụng, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, nên việc tiếp tục tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng là cần thiết.
Ngày 24/3, Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Nguyễn Phương Hằng.
Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.
Công an TP.HCM nhận định, Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.
Theo Công an TP.HCM, Nguyễn Phương Hằng thông qua các tài khoản YouTube, Facebook, Tiktok phát ngôn trực tiếp qua mạng internet, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
Nguyễn Phương Hằng quản lý và sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội và trực tiếp thực hiện các buổi livestream có nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân khác.
Trong các buổi livestream, người phụ nữ này liên tục sử dụng nhiều từ ngữ tục tĩu để phát ngôn cổ xúy văn hóa “chửi" trên mạng, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Phương Hằng còn đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn, đến sân bay Tân Sơn Nhất, tổ chức đoàn đi Hà Nội, Châu Đốc - An Giang... gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Từ 15/2 đến khi bị bắt, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM mời Nguyễn Phương Hằng lên làm việc 4 lần vào các ngày 18/2, 7/3, 9/3 và 16/3 để cảnh báo, răn đe và yêu cầu Nguyễn Phương Hằng chấm dứt hành vi lợi dụng các quyền tự do để sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, Nguyễn Phương Hằng không những không chấp hành, mà còn tỏ thái độ thách thức cơ quan chức năng, coi thường công luận, tiếp tục phát ngôn vu khống, nhục mạ các cá nhân.