Ngoài lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, người vi phạm giao thông cũng thường được chứng kiến công an phường kiểm soát, xử phạt phương tiện giao thông đường bộ.
Khi nào công an phường được tuần tra, kiểm soát giao thông?
Theo Nghị định 27/2010, trong những trường hợp cần thiết có thể huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Các lực lượng cảnh sát khác và công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Tương tự, khoản 3 Điều 7 Thông tư 47/2011/TT-BCA cũng quy định: Trường hợp không có lực lượng cảnh sát giao thông đi cùng thì lực lượng cảnh sát khác và công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, lực lượng công an phường nếu làm việc độc lập, không đi cùng cảng sát giao thông thì chỉ được tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch.
Công an phường được phạt những lỗi gì?
Điều 79 Nghị định 100 quy định công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của địa phương.
Còn theo khoản 4 Điều 74, trưởng công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ sau (trừ trường hợp gây tai nạn giao thông):
- Đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm; Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau, mức phạt 200-400 nghìn đồng.
- Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; Dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; Dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; Dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy.
- Cạnh đó còn có các lỗi Đỗ xe trên dốc không chèn bánh: Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn; Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; Dừng xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; Dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.
- Các lỗi rời vị trí lái, tắt máy khi dừng xe; Dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; Dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”. Những lỗi này bị phạt từ 400-600 nghìn đồng.
- Với các lỗi như bấm còi, rú ga liên tục; Bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư; Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; Dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt… thì bị phạt 800 - 1 triệu đồng.