Anh Nguyễn Văn Sự (trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, từ cuối tháng 10/2020, anh mua lan đột biến của các nhà vườn B. N. (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nhà vườn H. C. (ở xã Ngọc Tảo, Hoài Đức), L. B. D. (ở xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), T. V. T. và T. V. Đ. (ở huyện Yên Thuỷ, Hoà Bình).
Tuy nhiên, trước tình trạng hàng loạt các thương vụ mua bán lan đột biến với tổng giá trị lên tới cả trăm tỉ đồng vừa diễn ra, nhiều người mua lan bị lừa, nhà vườn thổi giá, nên anh kiểm tra lại số lan vừa mua và phát hiện nhiều gốc lan sai nguồn gốc.
Anh Sự liên hệ với các nhà vườn để kiểm tra thông tin, song bây giờ không thể liên lạc được.
"Số lan đột biến tôi mua từ các nhà vườn này lên tới hàng chục gốc, gốc rẻ cũng từ 70 triệu - 200 triệu, gốc đẹp có giá từ 500 triệu đến cả tỉ đồng. Hiện tại, tôi bị lừa gần 10 tỉ đồng để mua hoa", anh Sự nói.
Anh cho hay, việc phát hiện ra hoa sai nguồn gốc là vì khi nở, hoa màu tím, không phải màu trắng ngọc như lan đột biến. Trong khi đó, số tiền anh mua hoa chủ yếu vay ngân hàng và huy động vốn từ người dân.
Sau khi biết có dấu hiệu bị lừa đảo, anh Sự đã viết đơn trình báo sự việc trên lên cơ quan có thẩm quyền. "Tuy nhiên, hiện tại các đơn khiếu nại vẫn chưa được giải quyết do không thể liên lạc được với các đối tượng trên", anh Sự thông tin.
Theo anh Sự, đối với những người đã mua lan đột biến từ anh hãy giữ lại hoa, đến khi nở hoa xem đúng hay sai. Nếu lan sai nguồn gốc, anh sẽ khắc phục dần dần cho những người mua hoa từ anh.
Sáng 13/4 trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Mẽ (Trưởng Công an huyện Hoài Đức) cho biết, Công an huyện này đã tiếp nhận đơn trình báo của công dân. Hiện tại, không chỉ có đơn của anh Nguyễn Văn Sự mà còn 6 - 7 đơn trình báo của các công dân về vụ việc liên quan đến lan đột biến.
Theo ông Mẽ, thời điểm hiện tại, giao dịch hoa lan đột biến có dấu hiệu lừa đảo rất nhiều, giao dịch này đánh vào lòng tham của một số bộ phận. Đây là những giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
Giao dịch lan đột biến không giống như giao dịch khác, lan không đánh số như giao dịch xe máy, ô tô có số khung, số máy để kiểm tra. Khi giao dịch xong, nhiều người mang hoa về thì mới phát hiện ra mình bị lừa.
Những ngày qua, mạng xã hội cũng xôn xao trước thông tin một chủ vườn lan đột biến H. T. ở xóm Chợ Định Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội ôm theo 200 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
"Thông tin cho em, bạn bè chơi lan tin xấu về những ai đã đặt lúa non cây tại vườn lan H.T. là chủ vườn đã bỏ trốn. Trong đó, có anh em đầu tư hàng chục tỷ vào vườn lan này", thông tin trên mạng xã hội facebook nêu.
Chính quyền xã Hoà Nam cho biết, đã cử lực lượng đi xác minh, nhưng đến thời điểm này cũng chưa có thông tin, báo cáo cụ thể.