Năm 1988, cảnh sát Úc tìm đến Ian Dadour, một nhà côn trùng học. Không phải vì ông phạm tội, mà vì cảnh sát cần tới chuyên môn của ông.
Các điều tra viên đã yêu cầu Dadour ước tính độ tuổi của những con giòi được tìm thấy trên cơ thể người, từ đó giúp họ đánh giá thời điểm các nạn nhân bị giết.
Dadour tiếp tục dạy phương pháp này và các phương pháp pháp y dựa trên côn trùng học khác cho Sở Cảnh sát Nam Phi.
Ngày nay, nó dần trở thành một phương thức điều tra hiệu quả, không chỉ được áp dụng để bắt kẻ sát nhân, mà cả những kẻ săn trộm động vật quý hiếm.
Theo Science, những kẻ săn trộm ở Nam Phi giết hàng trăm con tê giác mỗi năm, thường để lấy sừng của chúng. Để đối phó với nhóm tội phạm này, cảnh sát địa phương đã ứng dụng phương pháp của Ian Dadour, gọi nó là côn trùng học pháp y.
Họ thu thập những con trưởng thành, ấu trùng và trứng của các loài côn trùng ăn xác thối như ruồi hay bọ cánh cứng từ xác động vật. Quá trình này không mấy khó khăn, vì côn trùng ăn xác thối thường rất nhanh chóng tìm thấy và đẻ trứng trên xác chết trong chưa đầy một giờ.
Sau đó, trứng sẽ nở và phát triển với tốc độ có thể dự đoán được. Trong số 119 loài côn trùng thu thập được từ tê giác, ruồi trâu và bọ cánh cứng là những loài phổ biến nhất và hữu ích nhất.
Bằng cách phân tích những mẫu côn trùng thu thập được, các nhà côn trùng học pháp y có thể ước tính thời gian tử vong của một thi thể, gọi là khoảng thời gian tối thiểu sau khi chết.
Sau đó, họ dựa vào dữ liệu này để khoanh vùng, dự đoán hướng di chuyển của những kẻ săn trộm, cũng như phân bổ nguồn lực cần thiết để tiến hành bắt chúng.
Amoret Whitaker, một nhà côn trùng học pháp y tại Đại học Winchester ở Anh, cho biết: "Điều đáng chú ý là các phương pháp chúng tôi sử dụng trên con người có thể được sử dụng theo cùng một cách chính xác trên các trường hợp động vật".
Hiện, phương pháp tương tự cũng đang được sử dụng để điều tra, theo dõi các loài thú có túi đang bị đe dọa ở Úc. Chúng thậm chí có thể được áp dụng trong các trường hợp ngược đãi động vật.