Mới đây, Kỹ sư 8x Phạm Sơn đã phục chế chân dung 10 nhà thơ nổi tiếng thế kỷ 20 như: Xuân Quỳnh, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Tố Hữu… bằng công nghệ AI.
Khi nhìn những bức ảnh này, khán giả rất thích thú bởi sự sắc nét, rõ ràng, màu sắc sinh động của chân dung một số nhà thơ mà họ yêu mến từ lâu. Một số khán giả thắc mắc, liệu việc phục chế ảnh này có khó không?
Chia sẻ với PV Dân trí, kỹ sư Phạm Sơn cho hay, công việc của anh gắn liền với công nghệ AI, với mục đích là phục dựng ảnh để chia sẻ cách làm, rồi post bài trên group nhỏ về AI nên anh đã khôi phục chân dung một số nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Anh không ngờ cộng đồng mạng thích và có nhiều ý kiến tích cực về những bức ảnh này.
Theo Phạm Sơn Lý giải, có lẽ các nhà thơ này có những tác phẩm thân thuộc với mọi người nên đã tạo viral (sự lan tỏa - PV) và hơn nữa, hình ảnh phục hồi của họ chân thật, gần gũi với mọi người (về khuôn mặt, kiểu tóc...) nên được khán giả chia sẻ nhiều.
Khi được hỏi: "Phục chế ảnh các nhà thơ nổi tiếng bằng công nghệ AI có khó không?". Kỹ sư Phạm Sơn cho hay: "Để vẽ chân dung bằng công nghệ AI, cần một chút kiến thức về Internet, một chút kiến thức về mỹ thuật, về lịch sử để có tính chính xác và có thông số đầu vào cho các công cụ AI thực hiện. Tôi phục chế 10 bức ảnh này với thời gian khoảng 6 tiếng trong 2 ngày nghỉ ốm vì covid-19".
Kỹ sư 8X chia sẻ thêm, anh đề cao tính chân thực của những bức ảnh, nên trong các bước xử lý để có bức ảnh AI tạo ra, bước cần xử lý file đầu vào rất quan trọng để có bức ảnh chính xác. Chính vì vậy nó sẽ tạo tính riêng của bức ảnh.
Hơn nữa công nghệ AI hỗ trợ trong việc phục hồi, nhưng theo anh Sơn, con người vẫn là yếu tố quyết định để đưa ra các tiêu chí để AI hoàn thiện.
Khi nhìn thấy bức ảnh của nhà thơ Xuân Quỳnh, con trai bà là Lưu Tuấn Anh rất bất ngờ và xúc động. Anh cảm ơn người đã phục dựng lại chân dung mẹ của mình. Anh nói, bức ảnh giống bà như đúc.
Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh chia sẻ với PV Dân trí: "Nhìn ảnh mẹ, tôi cảm động lắm. Lúc chụp ảnh là mẹ khoảng 20 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của một người con gái với sống mũi cao, da trắng, lông mày lá liễu, thần thái tươi vui. Mẹ là nguồn cảm hứng lớn của cuộc đời tôi.
Người phục dựng tấm ảnh của mẹ chắc hẳn có một cái tâm rất lớn và mến mộ mẹ tôi nên mới vẽ đẹp như vậy. Ảnh gốc của mẹ là đen trắng, nay nhìn thấy ảnh của mẹ bằng ảnh màu, tôi có cảm giác bà mới chụp ảnh hôm qua".
Theo Lưu Tuấn Anh, anh có chuyển bức ảnh cho một số người thân xem, thì ai cũng thấy giống và khen bức ảnh này. Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh cho rằng, công nghệ AI đã phục chế được những bức ảnh xưa cũ, mờ nhòe, kéo những kỷ niệm xưa cũ về gần với đời sống hiện đại hơn.
Phạm Sơn (SN 1980), là kỹ sư viễn thông và công nghệ truyền hình, công tác gần 20 năm trong ngành. Trước đó, anh từng hỗ trợ cơ quan chỉ huy quân sự ở tỉnh Bắc Ninh phục chế 40 bức ảnh nhà truyền thống. Mới đây, anh nảy lên ý tưởng thực hiện chân dung các nhà thơ yêu thích bằng công nghệ AI với mục đích chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực mình làm việc.