Con trai kể bị cướp tiền, bố hùng hổ đi trả đũa để rồi lộ ra sự thật bẽ bàng

22/07/2023 08:15

Những cảm xúc xấu mà bạn nuông chiều hôm nay có thể trở thành trở ngại cho con bạn ngày mai.

Bạn sẽ làm gì nếu con bị bạn cùng lớp bắt nạt? Nhiều người khuyên con bỏ qua, có người dặn con đánh trả. Nhưng cũng có người hành xử kiểu bạo lực, như ông bố ở thành phố Lôi Dương (Trung Quốc) sau đây.

Được biết, con trai của anh - một nam sinh trung học nói với cha rằng mình bị bạn cùng lớp cướp 300 nhân dân tệ (khoảng gần 1 triệu đồng). Để "trả thù" cho con, ông đã đón lõng "thủ phạm" trên đường đi học về rồi đánh cậu bé nhiều lần gây bầm tím khắp người, tụ máu não. Tất nhiên, ông bố này đã bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó.

Trớ trêu thay, sau khi điều tra, người ta phát hiện ra rằng cái gọi là vụ cướp hoàn toàn không tồn tại. Sự thật là chính cậu con trai đã lấy trộm 300 tệ của gia đình, vì sợ bị cha trách mắng nên đã nói dối để trốn tránh trách nhiệm.

Con trai kể bị cướp tiền, bố hùng hổ đi trả đũa để rồi lộ ra sự thật bẽ bàng-1
Để "trả thù" cho con, ông đã đón lõng "thủ phạm" trên đường đi học về rồi đánh cậu bé nhiều lần gây bầm tím khắp người, tụ máu não.

Hành động của người bố khiến cư dân mạng vô cùng phẫn nộ. Có người nói: "Nhìn người cha bạo lực thế này, chẳng trách đứa trẻ mới tí tuổi đã lươn lẹo dối trá"; "Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, quả nhiên cha như thế nào thì dạy dỗ con cái như thế ấy".

Từ cách hành xử của ông bố, không khó để nhận ra anh ta là người thiếu suy nghĩ chín chắn và có những hành vi bạo lực nhất định. Rất có thể ngày thường việc đánh mắng con cái là điều thường xảy ra.

Là nạn nhân của bạo lực gia đình, đứa trẻ đã chọn cách nói dối để bảo vệ mình sau khi lấy trộm tiền vì sợ bị đánh, dẫn đến bi kịch hiện tại.

Một người cha mất kiểm soát cảm xúc đã nuôi dạy một đứa con với những suy nghĩ sai lệch.  Như ai đó đã nói: "Đôi khi con hư bắt đầu từ lúc cha mẹ mất kiểm soát cảm xúc".

Tâm trạng không tốt của cha mẹ là con dao sắc bén cắt đứt tình cảm

Cảm xúc của cha mẹ không ổn định giống như những cơn bão khó lường. Con cái ngày nào cũng lo lắng dò tìm, và sống trong nỗi sợ hãi trước cơn bão sắp tới. Những đứa trẻ này chỉ tự bảo vệ mình đã kiệt quệ rồi, lấy đâu ra sức lực để lớn lên?

Trên Zhihu có một câu hỏi: "Hành vi tình cảm của cha mẹ sẽ có tác động gì đối với con cái?". Một người cho biết cha cậu là người rất dễ xúc động, thường xuyên mất bình tĩnh bất kể đúng sai.

Một lần, chỉ vì phải chờ xe buýt, ông bỗng nổi nóng, không quan tâm đến việc ăn uống của cả nhà mà ngang nhiên xô đổ bàn ghế, bát đũa. Trong một môi trường như vậy, cậu dần khép lòng lại để tự bảo vệ mình.

Kết quả là khi lớn lên, cậu trở nên tê liệt về mặt cảm xúc, hoàn toàn không thể hiểu được cảm xúc của người bình thường. Và cậu không chỉ không thể bày tỏ tình yêu mà còn không thể cảm nhận được tình yêu. Tóm lại, cậu thiếu sự đồng cảm.

Khuyết điểm về tính cách này cũng không phải là ngoại lệ, nó rất phổ biến ở những gia đình có bố mẹ hay gắt gỏng. Cảm xúc tiêu cực của bố mẹ có thể kích hoạt hành vi bạo lực ở trẻ, khiến ngôn ngữ kém phát triển. Trẻ liên tục bị căng thằng làm tăng nguy cơ cao phát triển các bệnh mạn tính, rối loạn nội tiết tố, rối loạn tự miễn. Bị la mắng thường xuyên sẽ khiến trẻ không xem trọng bản thân mình. Trẻ luôn cảm thấy những điều mình làm là sai lầm, là không đáng được trân trọng. Lâu dầu, trẻ sẽ có xu hướng bỏ bê mình, sống buông thả hơn, nổi loạn hơn…

Bất kỳ điều nào trong số này sẽ có tác động tiêu cực sâu sắc đến tương lai của đứa trẻ.

Điều đáng sợ hơn nữa là sự mất mát về tình cảm của cha mẹ giống như một loại vi-rút, vô tình truyền sang con cái, con cái lại truyền sang thế hệ sau, và chu kỳ cứ lặp đi lặp lại, tạo thành một vòng tuần hoàn nan giải. Có thể thấy rằng tâm trạng tồi tệ của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến ít nhất ba thế hệ.

Cha mẹ mất kiểm soát cảm xúc giống như những đứa trẻ khổng lồ chưa lớn. Nên nhớ, những cảm xúc xấu mà bạn nuông chiều hôm nay có thể trở thành trở ngại cho con bạn ngày mai.

Hãy kiểm soát cảm xúc của bạn trước khi nuôi dạy con cái

Cha mẹ sinh ra đã có uy quyền trong mắt con cái. Vì vậy, đối với nhiều cha mẹ, nóng nảy đôi khi trở thành một phương pháp giáo dục "hiệu quả".  Khi trẻ mắc lỗi, thay vì dành thời gian và công sức để tìm ra nguyên nhân, đánh mắng có thể giải quyết ngay vấn đề và khiến trẻ trở nên ngoan ngoãn, biết điều.

Nhưng kiểu nghe lời này như được xây dựng trên bọt biển, và nó sẽ vỡ tan khi chạm nhẹ. Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy, không những sẽ để lại một vết đen không thể xóa nhòa trong tuổi thơ của đứa trẻ, mà tình cảm cha mẹ và con cái sẽ dần phai nhạt.

Các nhà tâm lý học tin rằng một người ổn định về mặt cảm xúc phải có chỉ số EQ cao và có tầm nhìn rộng hơn. Những bậc cha mẹ như vậy có nhiều khả năng giáo dục những đứa trẻ xuất sắc. Vì vậy, nếu muốn nuôi dạy con tốt, trước tiên bạn phải học cách kiểm soát cảm xúc của mình.

Trên con đường nuôi dạy con cái, thật khó để cha mẹ không nổi nóng, giận dữ. Vì thế hãy lưu ý những điều sau:

1. Nhận thức

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ thường nổi giận một cách vô thức mà họ không hề hay biết. Có những đứa trẻ làm việc gì cũng lâu, cha mẹ nhìn thấy vô tình quát mắng con, sau này mới biết mình vừa tức giận. Do đó, chỉ bằng cách học cách nhận thức cảm xúc trước, bạn mới có thể phán đoán khi nào mình nên thay đổi.

2. Tạm dừng

Cảm xúc là một hiện tượng sinh lý bình thường, có thể kiểm soát được thông qua hành vi của bản thân. Đầu tiên là tự nhận thức, sau đó hít thở sâu và chậm ba lần, chỉ cần bạn tạm dừng cảm xúc của mình và trở lại lý trí trong vài giây, bạn có thể tránh được sự bốc đồng và đưa ra những phán đoán chính xác.

3. Chuyển đổi

Cảm xúc, giận, buồn, vui là bản năng của con người, kiềm chế cảm xúc không có nghĩa là đè nén, thay vào đó bạn có thể thử thay đổi nó.

Một số phụ huynh thích áp đặt ý kiến của mình lên con cái, ví dụ: “Con phải là số một!”, “Con cái phải vâng lời cha mẹ!”.

Những mong muốn mạnh mẽ này đã in sâu vào tâm trí của cha mẹ, nếu không đạt được kỳ vọng, tự nhiên họ sẽ thất vọng và mất bình tĩnh. Cha mẹ khổ, con cái cũng chẳng khá hơn là bao.

Hãy bớt kỳ vọng, nói ít hơn về những gì con nên làm và nói nhiều hơn về những gì con có thể, đồng thời cho con bạn sự tôn trọng và công nhận. Con sẽ tốt hơn, đồng thời cha mẹ cũng trở nên bớt tiêu cực hơn.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Con trai kể bị cướp tiền, bố hùng hổ đi trả đũa để rồi lộ ra sự thật bẽ bàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO