Con trai bà Nguyễn Phương Hằng có được quyền tố giác ca sĩ Vy Oanh?

28/03/2023 08:34

Theo luật sư, không bị xâm phạm quyền lợi cá nhân nhưng con trai bà Phương Hằng có quyền tố giác nếu phát hiện người khác có dấu hiệu phạm tội.

Công an TP.HCM đang giải quyết đơn của ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Nguyễn Phương Hằng) tố giác ca sĩ Vy Oanh về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bà Phương Hằng.

Cơ quan điều tra mới đây đã triệu tập nữ ca sĩ đến làm việc nhưng Vy Oanh có đơn khiếu nại vì cho rằng chỉ bà Nguyễn Phương Hằng mới có quyền tố giác nếu cảm thấy bản thân bị xâm phạm quyền và lợi ích.

Vậy theo quy định pháp luật, con trai bà Phương Hằng có quyền tố giác ca sĩ Vy Oanh hay không? Và nữ ca sĩ nên làm gì khi cơ quan điều tra triệu tập?

to giac Vy Oanh anh 1
Ca sĩ Vy Oanh ký đơn gửi cơ quan điều tra hồi tháng 10/2021. Ảnh: T.T.

Mọi công dân đều có quyền tố giác tội phạm

Luật sư Lưu Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm) cho biết theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ hợp pháp của công dân. Bất kỳ công dân nào khi phát hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội, xâm phạm lợi ích hợp pháp của bản thân hay người khác đều có quyền làm đơn tố giác gửi cơ quan chức năng.

"Pháp luật không giới hạn việc người dân chỉ được tố giác tội phạm nếu hành vi đó xâm phạm tới quyền lợi bản thân. Bất kỳ ai, bao gồm cả người thứ ba, có thể tố giác tội phạm nếu họ biết về hành vi phạm tội hoặc vi phạm luật pháp. Tố giác tội phạm là cách để bảo vệ quyền lợi và an toàn của bản thân mỗi người cũng như cộng đồng nói chung", luật sư Trang phân tích.

Đối chiếu trường hợp này, luật sư cho rằng nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội của Vy Oanh, con trai bà Phương Hằng có quyền độc lập tố giác nữ ca sĩ này. Việc tố giác là đúng quy định pháp luật. Cơ quan chức năng sau khi tiếp nhận sẽ phân loại, giải quyết đơn thư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để xác minh nội dung tố giác.

Trường hợp cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm, người tố giác có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong số các tội mà cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án hình sự nếu có yêu cầu của bị hại không có tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án mà không cần yêu cầu của bà Phương Hằng.

to giac Vy Oanh anh 2
Bà Phương Hằng đang bị tạm giam về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ảnh: Công an cung cấp.

Về việc bà Phương Hằng có được tố giác khi bị tạm giam, luật sư cho biết theo nguyên tắc suy đoán vô tội, người bị buộc tội được coi là không có tội đến khi có bản án kết tội có hiệu lực. Do đó, người bị tạm giam chưa được coi là có tội và vẫn được hưởng các quyền, lợi ích cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật.

Trích dẫn Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, luật sư cho biết người bị tạm giam vẫn có các quyền như được bảo vệ an toàn về tính mạng, thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm; được thực hiện quyền bầu cử, bỏ phiếu trưng cầu ý dân; được gặp thân nhân, người bào chữa; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự, được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật...

Do đó, dù bị tạm giam, bà Phương Hằng vẫn có quyền tố giác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu phạm tội của người khác.

Vy Oanh nên làm gì?

Sau khi tiếp nhận tố giác của ông Tuấn, Công an TP.HCM đã gửi giấy triệu tập Vy Oanh. Tuy nhiên, cuộc làm việc ngày 24/3 không diễn ra do nữ ca sỹ đã gửi đơn khiếu nại để mong muốn cơ quan chức năng giải đáp những thắc mắc mà cô nêu trong đơn.

Về thắc mắc của nữ ca sĩ về việc cơ quan điều tra không gửi giấy mời mà gửi giấy triệu tập khiến cô và gia đình cảm thấy lo lắng, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo Thông tư 01/2006/TT-BCA của Bộ Công an, giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự, chỉ cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đối tượng, trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (nay được thay thế bằng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) quy định.

Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày... làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, điều tra viên không được gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi gửi giấy, điều tra viên phải tính toán về thời gian, quãng đường để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập, người được mời.

Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở công an nơi họ ở hoặc nơi làm việc để lấy lời khai, hoặc báo cáo đề xuất thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.

Trường hợp người được triệu tập vắng mặt không vì bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp dẫn giải.

to giac Vy Oanh anh 3
Vy Oanh đã gửi đơn khiếu nại sau khi cơ quan công an gửi giấy triệu tập. Ảnh: T.T.

Theo ông Hậu, việc công an tiếp nhận, xác minh tố giác liên quan Vy Oanh là một bước trong hoạt động tố tụng hình sự. Theo quy định, giấy triệu tập được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự và có thể sử dụng để triệu tập nhiều đối tượng khác nhau trong vụ án như: Bị can được tại ngoại; bị hại; người làm chứng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người giám định hay người định giá tài sản...

Trong khi đó, giấy mời thường được sử dụng đối với các vụ án dân sự, hành chính. Do đó, việc công an gửi giấy triệu tập Vy Oanh là để xác minh, làm rõ nội dung tố giác là một bước trong hoạt động tố tụng hình sự chứ chưa phải yếu tố ảnh hưởng tới số phận pháp lý của nghệ sĩ này.

"Theo quy định, người tố giác phải bảo đảm tính chính xác và chịu trách nhiệm với nội dung tố giác của mình. Trong khi đó, người bị tố giác cần hợp tác, làm việc với cơ quan điều tra và cung cấp những căn cứ đủ mạnh nếu muốn chứng minh bản thân vô tội. Bởi vậy, Vy Oanh cần phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ nội dung tố giác của ông Nguyễn Quang Tuấn trong trường hợp này", luật sư bình luận.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Con trai bà Nguyễn Phương Hằng có được quyền tố giác ca sĩ Vy Oanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO