Nhưng với hiểu biết và suy nghĩ của anh, đó không phải là “cưỡng đoạt tài sản” mà đó chỉ là chuyện mua bán: “Bị cáo bán chai nước, công ty muốn mua, vậy thôi”.
Chính vì nghĩ như vậy nên mới có việc thương lượng, nói thách và ngả giá đến 3 lần. Từ 1 tỉ đồng, còn 600, rồi “dứt giá” 500 triệu. Phía đối tác nói “cho 100 triệu” anh lắc đầu.
Cũng vì vậy nên tòa hỏi “bị cáo có suy nghĩ làm như vậy là vi phạm pháp luật không?” Minh nói “Không”. Tòa hỏi: tới hôm nay có thấy phạm pháp luật không? Anh cũng nói không.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, Võ Văn Minh chỉ ngắn gọn: “Hành vi của bị cáo sai phạm tới đâu mong HĐXX xem xét công tâm”. Trong khi đó thì vợ bị cáo, mới 25 tuổi, bồng đứa con nhỏ chạy vào một góc ở sân tòa, che mặt lại khóc nức nỡ và nói “Xin các nhà báo đừng chụp hình mẹ con tôi nữa”!
Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi vậy vừa kết thúc phiên tòa, ghé quán cà phê nào cũng nghe dư luận bàn chuyện “con ruồi”. Trên mạng cũng vậy, nhiều người rất bức xúc, dù thừa nhận hành vi của anh Minh là sai, nhưng “gài bẫy” khách hàng cũng không phải là cách tốt nhất.
Và có lẽ nhận xét của luật sư là đúng: “Đây là tội phạm liên quan đến nhận thức chủ quan của cả 2 bên”.
Trong phần tranh luận, các luật sư bảo vệ cho bị cáo dẫn chứng: “Sau 3 lần thương lượng không thành, các nhân viên được Tân Hiệp Phát phân công đi gặp Võ Văn Minh về báo cáo là không thuyết phục được anh, vì vậy họ đề nghị “chuyển sang bộ phận an ninh” để hỗ trợ. Chính vì vậy nên mới có chuyện vừa đàm, vừa đánh. Khi biên bản cuộc gặp lần chót “giống như là hỏi cung” được Minh ký tên, hôm sau Tân Hiệp Phát có đơn tố cáo, ngày 26.1.2015 xuất chi 500 triệu đồng “để xử lý chuyện ở Tiền Giang” thì hôm sau Minh bị bắt”.
Vì các lẽ trên nên phía luật sư bảo vệ cho bị cáo cho rằng: “Việc đưa tiền là nằm trong kế hoạch và là căn cứ để khởi tố chớ không phải vì lo sợ hay bị uy hiếp”.
Tại phiên tòa, đại diện Tân Hiệp Phát cho rằng vì thời điểm giáp tết, lo sợ việc lùm xùm sẽ ảnh hưởng đến đời sống của công nhân nên buộc phải gặp Minh để thương lượng, nhưng công ty không có quy định đổi thành tiền: “Việc chi 500 triệu đồng trong tình huống chịu nhiều áp lực, buộc phải đưa ra quyết định để cứu lấy đời sống cán bộ, công nhân”, bà Bích đại diện Tân Hiệp Phát cho biết tại tòa.
Thế nhưng, đó cũng chính là lý do khiến dư luận cho rằng anh Minh “bị gài bẫy”. Cũng tại phiên tòa, đại diện Tân Hiệp Phát cho biết kể từ khi sự việc xảy ra công ty đã bị thiệt hại 2000 tỉ đồng. Điều này có lẽ là đúng, nhưng đó chỉ là thiệt hại hữu hình. Còn những thiệt hại vô hình như thương hiệu, uy tín bị sứt mẻ vì cách hành xử với khách hàng chắc chắn là lớn hơn rất nhiều, rất khó mà tính được.
Trong khi đó thì chính bị cáo cũng chịu thiệt hại lớn: mất việc làm, mất tự do, vợ thiếu chồng, con thiếu cha… và chắc gì trong thời gian 7 năm tới hạnh phúc của gia đình anh vẫn ổn. Tất cả cũng chỉ vì sự thiếu hiểu biết như luật sư đã nhận xét. Là dân quê mùa mộc mạc, vì lòng tham, muốn lấy được nhiều tiền, anh dọa sẽ “đưa báo chí, cho người tiêu dùng biết” nếu yêu cầu không được đáp ứng.
Nhưng tại phiên tòa anh thừa nhận “chỉ hù thôi” vì nói vậy nhưng chẳng biết đưa bằng cách nào, vì ít học, thiếu hiểu biết pháp luật. Cùng vì vậy mà trong lúc thương lượng với các nhân viên của Tân Hiệp Phát, anh thừa nhận “có ký tên vào biên bản, nhưng không có đọc lại và cũng không biết trong đó nói gì”. Thậm chí, trong lời khai, anh cũng huỵch toẹt rằng muốn đổi chai nước lấy tiền để mua miếng đất!
Vì nghĩ đơn giản như vậy nên lần gặp thứ 3 Minh hỏi “Có mua lại chai nước không”? Và khi nhận 500 triệu đồng thì vô tư viết giấy biên nhận và không cần đếm lại tiền. Còn khi nghe nhân viên Tân Hiệp Phát giải thích về “quy trình, công nghệ sản xuất hiện đại” thì Minh nói không biết, chỉ biết trong chai nước có ruồi thôi!