Tuấn là một người đàn ông rất bình thường, điều kiện gia đình bình thường. Bản thân không có khiếu học nên sau khi tốt nghiệp Trung học, anh không học lên nữa. Huống chi học đại học cần rất nhiều tiền, Tuấn không muốn vì mình mà gia đình vất vả.
Sau đó, Tuấn đi làm. Do không giỏi xã giao, lại quá trung thực nên chỉ có thể làm công nhân trong nhà máy. Những công việc khác, anh không dám thử. Ở nhà máy, Tuấn luôn cắm đầu vào làm việc, bình thường rất ít nói chuyện, hiếm khi giao lưu với đồng nghiệp, luôn lủi thủi một mình. Cho nên dù mấy năm đi làm, tiết kiệm được một số tiền nhưng bởi tính hướng nội, lại không chủ động tiếp xúc với người khác mà mãi vẫn không có bạn gái.
Tới năm 30 tuổi, Tuấn vẫn phòng không gối chiếc. Vào một ngày mưa, anh hoãn ca làm việc và có kế hoạch về nhà nằm nghỉ nhưng lại không thể tìm thấy ô của mình đâu. Cũng không sao, là đàn ông thì ít mưa gió này cũng chẳng là gì, Tuấn định lao vào làn mưa thì bị một người phụ nữ ngăn lại. Cô ấy cho Tuấn mượn một chiếc ô và nói: “Anh cẩn thận không cảm lạnh đấy”.
Sau lần đó, Tuấn tương tư cô gái kia. Cô sở hữu vẻ ngoài sắc nét, so với Tuấn thì hơn hẳn. Anh thổ lộ nhưng cô từ chối và nói mình đã có một đứa con 3 tuổi. Tuấn bị choáng ngợp bởi tình yêu nên cũng không quan tâm lắm. Anh chỉ muốn chăm sóc người phụ nữ này suốt đời nên cưới cô bằng được.
Sống chung 2 năm, vợ chồng Tuấn vẫn chưa có con chung mà con riêng thì từ chối gọi anh là cha. Hàng ngày Tuấn vẫn thường mang theo con riêng cùng nhau chơi đùa, cho thằng bé thứ nó muốn, thằng bé muốn ăn cái gì, anh đều mua cho, đối đãi như con ruột. Nhưng cậu bé vẫn luôn chỉ gọi Tuấn là “chú”. Tuấn kiên nhẫn nói: “Ta là cha của con. Sau này nếu con gọi ta là cha, ta sẽ đưa con ra ngoài chơi”. Nhưng thằng bé đáp: “Chú không phải bố cháu. Bố cháu không có ở đây”. Những cuộc nói chuyện như vậy luôn khiến Tuấn rất buồn, trái tim lạnh giá, dẫu vậy anh vẫn hy vọng 1 ngày thằng bé sẽ gọi mình là “cha”.
Một lần, Tuấn nghe vợ mình nói chuyện với con riêng của cô ấy: “Chú Tuấn chính là cha con. Sau này con phải gọi chú ấy là “cha”. Có lẽ cô cũng biết họ không có con chung, con riêng lại không chịu gọi anh là “cha” nên chắc chắn anh sẽ rất buồn. Càng buồn hơn khi nghe sau này con trai riêng nói: “Ông không phải là cha tôi. Ông là người xấu đã cướp mẹ tôi. Tôi sẽ không bao giờ gọi ông là cha!” Sau lần đó, Tuấn không còn mong đợi con trai riêng sẽ gọi mình là “cha” nữa.
Vài năm sau, vợ Tuấn bị bệnh qua đời. Anh vừa làm cha lại vừa làm mẹ, một tay nuôi con khôn lớn. Chẳng bao lâu. con trai riêng tốt nghiệp Đại học và khởi nghiệp kinh doanh nhưng lại không có tiền. Cuối cùng nó cũng mở miệng nói chuyện với Tuấn và vay 200 triệu làm vốn. Tuấn nói “Được” nhưng nó phải ghi giấy nợ, anh mới cho mượn. Con riêng không nói 2 lời, liền lấy giấy bút ra viết. Kỳ thật không phải là Tuấn tiếc rẻ gì số tiền này, vì nó vốn là anh để riêng cho thằng bé, chỉ là anh vẫn muốn thằng bé gọi mình 1 tiếng “cha”. Sau khi nhận giấy ghi nợ, Tuấn đưa tiền cho con trai và ngay lập tức rời đi.
Trong lòng Tuấn lại có một trận gió lạnh thổi qua. Buổi tối, theo thói quen, anh mở di động ra, lướt một vòng facebook. Mọi người đều chụp ảnh tự sướng, hoặc chụp ảnh món ăn, phong cảnh... Đột nhiên, một dòng chữ hiện ra trên tường khiến Tuấn vô cùng ngạc nhiên. Một người bạn facebook của anh, không ngờ cũng là bạn chung với con riêng chia sẻ dòng trạng thái của thằng bé. Con riêng viết: “Cha, cảm ơn cha. Cha là người thân yêu nhất của con, là người con yêu thương nhất”. Đi kèm đó là bức ảnh chụp trộm Tuấn đang đứng nấu cơm trong bếp, mồ hôi theo cơn nóng mà nhỏ xuống.
Tuấn sửng sốt vài phút sau đó đứng dậy chủ động xé giấy nợ. Rốt cục anh cũng đợi được đến ngày con riêng gọi mình là “cha”. Vốn dùng nợ nần để ép hắn phải gọi mình 1 tiếng cha, bây giờ nó đã thừa nhận anh là cha thì anh còn giữ giấy nợ lại làm gì? Sau đó, con riêng mỗi tuần đều về thăm Tuấn, đưa anh đi dạo, mua đồ ăn ngon như anh, như thể thằng bé trả lại những gì anh đã dành cho nó khi còn nhỏ.
Con riêng là vấn đề tế nhị trong các gia đình tái hôn. Người chồng mới/vợ mới thường không thể tiếp nhận con riêng của người kia mà con riêng cũng rất khó mở lòng với người vợ/chồng mới của cha/mẹ chúng. Rất ít cha dượng, mẹ kế có thể thực tâm yêu thương con đối phương như con đẻ. Trên thực tế, thay vì đối đầu, lời khuyên dành cho các cha mẹ kế là nên bao dung và “từ bi” với con riêng của người kia hơn, có như vậy cuộc tái hôn mới có thể tốt đẹp.
Theo V.A - Vietnamnet