Còn nhiều việc phải làm với du lịch lễ hội

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG (Báo Thừa Thiên Huế)| 16/02/2023 13:36

Đầu năm mới, nhiều lễ hội được tổ chức. Quan sát một số lễ hội được đánh giá có tính đặc sắc cao thì lượng khách du lịch đến vẫn còn quá khiêm tốn.

Còn nhiều việc phải làm với du lịch lễ hội - 1

Độc đáo vật làng Sình, nhưng chưa có tour tuyến về xem hội vật

Chưa đưa vào chương trình tour

Đầu năm mới, vùng đất Cố đô rộn ràng với hàng chục lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, phải kể đến những lễ hội có quy mô, được tổ chức định kỳ hàng năm, như lễ đền Huyền Trân, các lễ hội vật, lễ hội cầu ngư ở Thuận An, các lễ hội đua thuyền truyền thống… Trước đó, trong những ngày Tết Nguyên đán, nhiều lễ hội và sự kiện cũng được tổ chức, tạo nên những nét văn hóa độc đáo riêng có của vùng đất Cố đô.

Có dịp hòa vào và quan sát các lễ hội ở khía cạnh thu hút khách du lịch, nhận thấy chủ yếu thu hút người dân trong tỉnh. Chỉ có một số lễ hội mang tính tâm linh là có khách hành hương, đến để chiêm bái, cầu nguyện. Còn những lễ hội văn hóa, thể thao khác chưa thấy có sự xuất hiện của khách du lịch. Ngay cả những lễ hội nổi tiếng, như vật làng Sình, vật làng Thủ Lễ cũng chưa thu hút được khách du lịch.

Các đơn vị tổ chức lễ hội hiện nay chủ yếu là cơ quan quản lý Nhà nước các địa phương. Hoặc chính người dân các làng, xóm tổ chức. Qua tìm hiểu, “khái niệm” tổ chức các lễ hội để khai thác du lịch, tạo nguồn thu từ phục vụ du khách chưa được chú trọng. Việc tổ chức vẫn đang dừng lại là nơi sinh hoạt đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Vấn đề trên được xác định là lý do quan trọng nhất khiến các lễ hội chưa phát huy được khả năng thu hút khách du lịch.

Dù nói rất nhiều về du lịch lễ hội, nhưng sự kết nối giữa ba bên: Quản lý Nhà nước, người dân và doanh nghiệp gần như không có. Phía các doanh nghiệp gần như còn bỏ ngỏ việc khai thác tính đặc trưng của lễ hội để phát triển du lịch. Các tour tuyến chuyên biệt về lễ hội gần như chưa có.

Còn nhiều việc phải làm với du lịch lễ hội - 2

Lễ hội cầu ngư ở Thuận An cũng chỉ dừng lại phục vụ đời sống tinh thần của người dân bản địa phương

Công ty TNHH MTV Kỳ Nghỉ Huế, đơn vị khai thác các tour khám phá thành phố (city tour) hàng đầu trong tỉnh hiện nay cho biết, lễ hội không tổ chức thường xuyên, trong khi đó tour tuyến phải vận hành liên tục, nên rất khó triển khai tour, càng không thể thay đổi lịch trình để đưa khách đến với các lễ hội. Công ty báo giá và lịch trình tour cho du khách và đối tác đôi lúc trước đó một năm. Hay nói cách khác, là để đưa vào các tour, đặc biệt là city tour, các lễ hội, sự kiện phải có tính ổn định, tổ chức thường xuyên.

“Vì vậy, khi có lễ hội thì công ty thông tin cho khách đi xem riêng, chứ không đưa vào chương trình city tour cố định. Ở một khía cạnh khác, với các lễ hội, công ty sẽ tư vấn cho khách, nếu khách có nhu cầu và yêu cầu tổ chức tour nếu có quỹ thời gian ở Huế thong thả thì công ty sẽ thực hiện. Hoặc bên cạnh các điểm tham quan cố định thì có thể lồng ghép các lễ hội để cho khách trải nghiệm thêm. Dĩ nhiên, đó là khi du khách đồng ý”, bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỳ Nghỉ Huế chia sẻ.

Cần giải pháp mới

Việc hệ thống, lựa chọn và triển khai các giải pháp để phát huy các lễ hội thành sản phẩm du lịch đã được định hướng và thực hiện từ khi Thừa Thiên Huế tổ chức theo hướng Festival bốn mùa. Xét về phương diện cơ hội và lợi ích kinh tế, xây dựng các tour tuyến và sản phẩm du lịch từ lễ hội là rất khả thi. Có điều, sự nhìn nhận và cách tiếp cận về tổ chức lễ hội thời gian qua chưa có nhiều thay đổi so với trước, vẫn còn tính “đến hẹn lại lên”.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Huế cho rằng, để lễ hội thu hút khách không phải dễ. Trước hết, phải làm rõ việc tổ chức lễ hội hay sự kiện. Với quan điểm tổ chức lễ hội thuần túy thì sẽ dừng ở mức là hình thái sinh hoạt của cư dân bản địa. Chỉ thu hút một bộ phận khách nhỏ đến tìm hiểu lễ hội. Còn khi nhìn nhận tổ chức lễ hội thành sự kiện thì có tính bài bản hơn, có dịch vụ, có trải nghiệm và có nguồn thu. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ dòng khách nào chọn lễ hội, để tập trung thúc đẩy các giải pháp thu hút.

Một hạn chế khác của lễ hội Huế là khả năng quảng bá. Thời gian tổ chức còn quá cập rập, quảng bá chưa tốt nên lễ hội ít được du khách biết đến và đưa ra các quyết định lựa chọn đến với lễ hội. Trong khi đó, nhìn sang một số điểm đến, khả năng quảng bá rất tốt. Đơn cử như lễ hội té nước ở Thái Lan diễn ra tháng 4/2023, mà thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đã quảng bá, tổ chức bán tour. Vì vậy, lễ hội ở Huế phải được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Theo Phòng Quy hoạch và Phát triển Du lịch, Sở Du lịch, để lễ hội đầu năm mới và trong năm thành sản phẩm thu hút khách thì lễ hội phải thay đổi cách thức tổ chức, cần có sự tương tác. Phải nhìn nhận rằng, các lễ hội chỉ dừng lại tính nguyên bản. Chuỗi cung ứng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thể hiện rõ nét. Điều này cần đánh giá, rút kinh nghiệm và tiến đến hình thành một hình thái tổ chức sao cho vừa giữ được tính truyền thống, vừa phát huy các giá trị. Như vật làng Sình, có thể tính đến phương án tổ chức một hoạt động dành cho du khách. Không mang tính thắng thua, du khách có thể tham gia vật để cầu mong sức khỏe cho một năm.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lễ hội là thành tố quan trọng của sản phẩm du lịch văn hóa. Thời gian đến, ngành du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương để phát huy hơn nữa sản phẩm được đánh giá có thế mạnh này. Quan trọng là kết nối của doanh nghiệp để xây dựng tour tuyến phù hợp với từng lễ hội.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/con-nhieu-viec-phai-lam-voi-du-lich-le-hoi-c9a48407.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/con-nhieu-viec-phai-lam-voi-du-lich-le-hoi-c9a48407.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều việc phải làm với du lịch lễ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO