Ngay khi cậu con trai 7 tuổi vừa bước vào kỳ nghỉ hè cũng là lúc chị Nguyễn Thu Hường (28 tuổi, Hà Nội) chuẩn bị xong đủ tư trang để con sẵn sàng tham gia khoá học hè trong thời gian 1,5 tháng với mức phí 13 triệu đồng.
Khoá học hè này bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 16h30 từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Tại đây, con trai chị sẽ được thầy cô dạy các kỹ năng sống cần thiết, trau dồi khả năng ngoại ngữ, đồng thời tham gia các hoạt động trải nghiệm rèn luyện sức khoẻ.
Dù biết sẽ tốn thêm khoản không hề nhỏ, nhưng vợ chồng chị Hường mừng như bắt được vàng khi không phải trăn trở về việc ai sẽ trông con dịp hè. Khoá học được chị tìm hiểu từ nhiều tháng trước qua lời giới thiệu của đồng nghiệp, nên hoàn toàn yên tâm và tin tưởng đăng ký cho con.
"Mỗi ngày cả hai vợ chồng đều tất bật việc cơ quan. Sau khi tan ca lại mau chóng tới đón con, về đến nhà lo cơm nước, tắm rửa, dọn dẹp là hết ngày. Ngày nào cũng vòng lặp ấy khiến cả hai mệt mỏi, nên giờ con có chỗ ăn, chỗ học trong ngày, tôi cũng bớt lo nghĩ", chị Hường nói. Không có người trông trẻ, bố mẹ lại đi làm từ sáng đến tối thì việc gửi con đến các lớp học là phương án tối ưu.
Sau khi kết thúc trại hè, để lấp chỗ trống đủ 6 ngày/tuần, chị dự định đăng ký cho con trai 1-2 môn học phụ đạo hoặc tham gia các lớp kỹ năng mềm (đàn, hát, dẫn chương trình, vẽ...) mục tiêu cao nhất là con được quản lý trong thời gian bố mẹ đi làm.
Tương tự gia đình chị Hường, chị Đồng Thị Hương (36 tuổi, Nam Định) chỉ cần nghe đến lịch nghỉ hè của các con đã lo sốt vó. Hè năm ngoái, chị để hai con đang học tiểu học ở nhà tự trông nhau, buổi trưa hai vợ chồng thay phiên về lo cơm nước rồi lại nhanh chóng trở lại cơ quan làm việc.
Không có bố mẹ ở nhà, hai con không tránh được việc chành choẹ. Mỗi lần như thế lại gọi điện khóc lóc, khiến vợ chồng chị đau đầu giải quyết, khuyên can hết lời. Hôm nào ít thì một cuộc gọi, nhiều thì lên tới 3 - 4 cuộc, chỉ với một nội dung “anh em bắt nạt nhau”. Ám ảnh với quãng thời gian ấy, hè năm nay, chị Hương không ngần ngại sắp xếp thời khóa biểu học hè kín tuần cho cả hai.
“Cho con đi học cả năm cũng sợ con mệt mỏi và áp lực nhưng nếu để các con ở nhà một mình suốt mấy tháng hè, bố mẹ vừa mệt mỏi, lại không yên tâm vì chẳng may xảy ra sự cố không kịp xử lý. Chưa kể, các con rất dễ sa ngã chơi điện tử, xem tivi tối ngày”, chị Hương nói và cho biết dù nhà có lắp camera nhưng không thể lúc nào cũng theo dõi, nhắc nhở con.
Sau khi bàn bạc với ông xã, chị đã tìm được các lớp học Toán, Văn và Ngoại ngữ cho con. Tất cả các lớp học này đều học trong giờ hành chính, lại ở gần nhà, vợ chồng chị tiện đường đưa đón.
Chị Hương kể, đồng nghiệp cùng cơ quan từng có trường hợp bất đắc dĩ đưa con đi làm cùng, nhưng nhiều cháu quá nghịch ngợm, ảnh hưởng tới mọi người nên bố mẹ đành tính đến phương án gửi con tới lớp học thêm.
Ngoài việc củng cố kiến thức cho con trong dịp hè, lý do khiến nhiều phụ huynh nhất quyết cho con đi học là để yên tâm đi làm mà không phải thấp thỏm lo cho trẻ.
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô Đồng Thị Nga, giáo viên trường Tiểu học Tân Phong (Thái Bình) đánh giá, sự thúc ép trẻ học thêm dịp hè của nhiều bậc phụ huynh là sai lầm nghiêm trọng, sẽ khiến trẻ giảm hứng thú, xuất hiện tâm lý sợ học, chán học, từ đó giảm hứng khởi, không còn cảm nhận niềm vui khi đi học. Các em cũng có thể đẩy mình vào thế căng thẳng, sợ hãi trước những áp lực học tập.
“Việc học thêm diễn ra ở các cấp với nhiều mục đích khác nhau, nhưng điều quan trọng, chỉ nên cho trẻ học thêm nếu có mục tiêu rõ ràng”, cô Nga khuyên. Hãy tùy vào khả năng, sở thích của con để sắp xếp cho hợp lý, đồng thời phân bổ thời gian vui chơi, giải trí cùng con để các con phục hồi năng lượng sau một năm học tập vất vả.
Nữ giáo viên khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lắng nghe và tôn trọng mong muốn, đồng thời tạo ra một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa với tuổi thơ, thay vì “đánh cắp” mùa hè của con trẻ.