Cơn lốc khủng hoảng tàn phá Sri Lanka

Hồng Quân| 16/07/2022 09:28

Quốc hội Sri Lanka dự kiến sẽ chỉ định tổng thống tạm quyền vào ngày 20/7. Sau đó, chính phủ mới sẽ được thành lập với thủ tướng mới và sẽ đứng ra tổ chức tổng tuyển cử sau một thời gian nhất định.

Khủng hoảng ở Sri Lanka ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân. (Ảnh: BBC)
Khủng hoảng ở Sri Lanka ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân. (Ảnh: BBC)

Quốc đảo Sri Lanka với dân số 22 triệu dân đang phải đối mặt với khủng hoảng cả về kinh tế và chính trị. Tiếp sau việc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người giữ quyền Tổng thống ngay sau đó, đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm giải quyết tình hình trong nước.

Cơn lốc bất ổn tràn đến Sri Lanka từ tháng 4/2022, khi nước này tuyên bố vỡ nợ với 51 tỷ USD nợ nước ngoài. Trong thời gian dài, chính phủ Sri Lanka đã vay các khoản tiền khổng lồ từ các tổ chức tín dụng nước ngoài để tài trợ cho các dịch vụ công cũng như phát triển cơ sở hạ tầng. Hệ quả là tỷ lệ nợ trên GDP của Sri Lanka đã tăng vọt từ 42% vào năm 2019 lên 104% vào năm 2021.

Đại dịch Covid-19 càng làm cho tình hình Sri Lanka thêm khó khăn. Du lịch vốn là ngành quan trọng, đóng góp 13% GDP của Sri Lanka và là nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đã giảm từ 2,3 triệu năm 2018 xuống còn 173 nghìn năm 2021 khiến ngành du lịch lao dốc, khả năng tích lũy và trả nợ của Sri Lanka càng trở nên khó khăn.

Đã thế, tình trạng gia đình trị kéo dài khiến nhiều vấn nạn có cơ hội phát triển. Gia tộc nắm giữ quyền lực ở Sri Lanka đã 20 năm luôn tìm cách sắp xếp các thành viên gia đình vào các vị trí chủ chốt trong nội các. Hệ quả là Sri Lanka phải hứng chịu một chính phủ không hiệu quả trong điều hành nền kinh tế.

Chẳng hạn như sai lầm trong chính sách nông nghiệp. Để ngăn chặn nhập khẩu phân bón làm cạn kiệt ngoái hối của đất nước, chính phủ Sri Lanka thay đổi một cách đột ngột từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang canh tác hữu cơ. Điều này đã dẫn đến sản lượng gạo giảm 50%, buộc nước này phải nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong nhiều năm.

Đến tháng 3/2022, khi lạm phát vọt lên 18,8%, giá lương thực tăng 30% so với năm trước, trong dự trữ ngoại hối chỉ còn 1,94 tỷ USD, nợ phải trả trong năm nay là 8,6 tỷ USD, Sri Lanka rơi vào tình thế không lối thoát. LHQ ước tính khoảng 80% trong số 22 triệu dân Sri Lanka không thể mua đủ ba bữa ăn một ngày. Hình ảnh những người biểu tình tràn vào nơi ở của Tổng thống và Thủ tướng là đỉnh điểm của những mâu thuẫn trong xã hội Sri Lanka.

Với việc ông Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước, người ta hy vọng các lực lượng chính trị ở Sri Lanka sẽ tìm được giải pháp kéo đất nước ra khỏi khủng hoảng. Văn phòng của ông Wickremesinghe xác nhận ông đã tuyên thệ nhậm chức trước chánh án Jayantha Jayasuriya vào ngày 15/7. Thực tế ông Wickremesinghe đã làm thay vai trò của cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa kể từ khi ông Rajapaksa chạy ra nước ngoài để tránh biểu tình. Ông Ranil Wickremesinghe nhậm chức quyền tổng thống Sri Lanka cho đến khi quốc hội nước này, họp ngày 16/7, bầu ra tổng thống mới vào giữa tuần sau.

Tổng thống mới sẽ lãnh đạo đất nước cho đến hết nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, tức vào cuối năm 2024. Tân tổng thống cũng có quyền bổ nhiệm thủ tướng mới với sự chấp thuận của quốc hội.

Sau khi ông Rajapaksa từ chức, ông Wickremesinghe cũng đang đối mặt với sức ép rất lớn từ người biểu tình vì ông do chính cựu tổng thống bổ nhiệm.

Tuy nhiên, việc cấp bách nhất hiện nay với đất nước Nam Á này là dung hòa giữa các phe phái chính trị, nhất là với lực lượng đối lập. Hôm 10/7, các đảng phái chính trị thuộc phe đối lập đã họp bàn để tìm kiếm cơ hội có thể tập hợp đủ 113 thành viên để chiếm đa số tại Quốc hội.

Điều quan trọng nữa là huy động nguồn vốn để duy trì hoạt động của xã hội và nhu cầu cuộc sống của người dân. Đây là công việc khó khăn bởi Sri Lanka hiện được coi là quốc gia phá sản. Theo ước tính, Sri Lanka cần 3-4 tỷ USD để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Hiện Sri Lanka đang đàm phán với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về các gói cứu trợ cũng như thảo luận về cơ cấu lại nợ với các chủ nợ.

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/con-loc-khung-hoang-tan-pha-sri-lanka-190913.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/con-loc-khung-hoang-tan-pha-sri-lanka-190913.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cơn lốc khủng hoảng tàn phá Sri Lanka
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO