“Cơn khát” thuốc, vật tư y tế lan sang các phòng khám tư

Thùy Linh| 09/08/2022 11:47

Hiện nay tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập đang dần được giải quyết nhưng “cơn khát” thuốc và vật tư y tế lại đang bắt đầu lan sang các phòng khám tư nhân. Các bác sĩ cho biết hết thuốc tê, hết chỉ khâu, dao mổ cũng khan hiếm... là tình trạng mà họ chưa từng gặp phải từ trước đến nay.

“Cơn khát” thuốc, vật tư y tế lan sang các phòng khám tư
Ca phẫu thuật tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội. Ảnh: BSCC

Hết thuốc tê, hết chỉ khâu, các phòng khám không dám nhận bệnh nhân

Hiện nay, không ít phòng khám nha khoa, các phòng khám trong lĩnh vực thẩm mỹ... đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế.

"Chưa bao giờ chúng tôi lâm vào tình cảnh như vậy. Phòng khám hết thuốc tê, tôi phải nhờ mối quen mua hộ ở miền Nam ra, đến giờ vẫn không biết có mua được không. Hiện thuốc tê chỉ còn mấy hộp, có thể "cầm cự" được khoảng 1 tháng. Hiện bên cung cấp trả lời là không ai ký để công ty nhập hàng về Việt Nam nên không có hàng. Không chỉ vậy, tôi phải đi lùng sục dao mổ tốt để sử dụng nhưng cũng hết. Chỉ khâu cũng đã cạn mà không thể mua được" - bác sĩ V tại một phòng khám ở Hà Nội cho biết.

Theo bác sĩ V, may mắn là phòng khám của anh còn dự trữ được một ít, hy vọng có thể kéo dài được đến khi có hàng về. Tuy nhiên, phòng khám hiện đang rất dè dặt, cầm chừng trong việc tiếp nhận các bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh răng miệng. "Bên hãng thông báo lại phải tối thiểu 3 tháng nữa mới có hàng về. Vì thế tôi đang phải nhờ mua thuốc tê ở miền Nam với giá gấp 3 lần" - bác sĩ V nói.

Theo bác sĩ này, với những ca bệnh cần phải mổ ngay, điều trị ngay thì buộc phải mang đồ dự trữ ra dùng, còn nếu hết thì "đành chịu", không dám tiếp nhận bệnh nhân nữa. Hiện tại đồ dự trữ tại các phòng khám vẫn còn nhưng bảo đi mua là cực kỳ khó khăn, nhiều chỗ không thể mua được. Nếu hết thuốc tê, hết chỉ khâu thì các bệnh nhân cần phẫu thuật sẽ rất "gay go".

Đây là tình trạng chung của không ít phòng khám tư nhân hiện nay. Mặc dù đã cẩn thận dự trữ thuốc và vật tư y tế từ trước để đảm bảo khám chữa bệnh nhưng phòng khám nha khoa của bác sĩ H.A.N (Hà Nội) cũng gặp phải câu chuyện tương tự.

"Hết thuốc tê đỏ thì chúng tôi lại phải chuyển sang thuốc tê xanh dương. Thuốc tê thì một số chỗ khác nói không thiếu, nhưng bị tăng giá rất cao. Trong các bệnh viện thì khó khăn về công tác đấu thầu, còn ở các phòng khám ngoài thì có thể mua ở bên ngoài, nhưng với giá cao ngất ngưởng. Bên hãng quen báo lại rằng thuốc tê đỏ họ có nhưng chưa được ký lưu hành nên không thể nhập khẩu được" - bác sĩ H.A chia sẻ.

Còn theo chia sẻ của bác sĩ N.Đ.M (Hà Nội), hiện nay nhiều phòng khám tư đang rơi vào tình trạng "thiếu thê thảm, thiếu trầm trọng" các loại thuốc và vật tư y tế. "Mua bên ngoài cũng cực kỳ khó khăn. Nhiều bác sĩ thẩm mỹ do không thể mua được túi ngực ở ngoài mà không dám nhận bệnh nhân đặt túi ngực. Thiếu nhiều nhất là thuốc tê và chỉ khâu. Nếu trước kia bệnh nhân rất sợ đau, bác sĩ có thể tiêm với liều thuốc tê nhiều hơn vẫn nằm trong mức cho phép thì nay chỉ dám tiêm vừa khít, vừa đủ, vì thuốc tê giờ khan hiếm. Muốn mua chỉ khâu cũng không có mà mua" - bác sĩ M chia sẻ.

Tiếp tục rà soát đăng ký lưu hành thuốc, vật tư y tế

Về giải pháp trong ngắn hạn cho tình trạng thiếu thuốc thiếu vật tư y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Đồng thời, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm. Về triển khai các biện pháp dài hạn, Bộ Y tế cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược...

Nhờ đó, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập đang phần nào được giải quyết. Tuy nhiên, việc nhiều thuốc, vật tư y tế hết thời hạn lưu hành trên thị trường nhưng hiện vẫn chưa được tiếp tục cấp phép lưu hành sẽ khiến thị trường xáo trộn, các mặt hàng khan hiếm, gây khó khăn cho hoạt động của hệ thống các phòng khám tư nhân.

Theo tờ trình của Bộ Y tế gửi Thủ tướng đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho biết, qua báo cáo của các địa phương, đơn vị tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cụ thể, có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các loại thuốc thiếu gồm thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, Bộ Y tế đề xuất một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Với quy định "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá công khai và không được mua cao hơn giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán", Bộ Y tế đề xuất ghi rõ thời điểm mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Điều này cũng tương tự với việc mua sắm, đấu thầu thuốc.

Vừa qua, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia - Bộ Y tế đã công bố quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023.

Theo ông Lê Thanh Dũng - Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia là những thuốc có tỉ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước. Vì vậy, kết quả đấu thầu lần này góp phần giảm tình trạng thiếu thuốc tại các địa phương, đặc biệt có ý nghĩa đối với các thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, việc công bố kết quả đấu thầu lần này có ảnh hưởng tích cực đến các hội đồng đấu thầu trên toàn quốc, đặc biệt đối với những đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương, góp phần thúc đẩy hoạt động của các đơn vị này, nhằm sớm có kết quả đấu thầu và tình trạng thiếu thuốc sẽ sớm được khắc phục.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
“Cơn khát” thuốc, vật tư y tế lan sang các phòng khám tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO