Quê tôi ở Quảng Ngãi. Quãng đường hơn 900km từ Hà Nội về quê bằng ô tô hiện chỉ chưa quá 15 giờ. Đóng góp cho việc rút ngắn được 3 giờ đồng hồ chạy xe chính là những đoạn đường cao tốc trên trục Bắc - Nam, trong đó có hơn 175km đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, nối từ Quảng Trị đến Đà Nẵng được đưa vào khai thác thử nghiệm từ tháng 12/2022 và đang được vận hành miễn phí.
Tôi từng rất vui mừng khi con đường về quê đã thêm thuận tiện.
Nhưng thật buồn! Mấy ngày qua, cả xã hội nóng lên với vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn cùng nhiều quan điểm khác nhau trên khắp các diễn đàn, báo chí, mạng xã hội.
Giữa bao nhiêu tranh luận của nhiều người về tiêu chuẩn của đường cao tốc, cho đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng và có thể sẽ tiếp tục xảy ra trên những con đường đẹp, mặt đường tốt, nhưng hẹp và quanh co, chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách, chưa có đèn đường, đêm và sáng sớm thường có sương mù, che khuất tầm nhìn..., tôi đoán chắc rằng, những lái xe khi quyết định lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan đều đã biết, hoặc phải biết cân nhắc.
Có những người đi tham quan du lịch háo hức đi một lần để được trải nghiệm con đường mới, đẹp như tranh vẽ xuyên qua nhiều đồi núi, rừng nguyên sinh. Và cũng có không ít lái xe chọn tuyến cao tốc này vì đường vắng, chưa thu phí, có đi sai cũng không sợ bị cảnh sát giao thông tuần tra xử phạt.
Tuy nhiên, cuối cùng thì ai cũng thừa nhận rằng, phần lỗi chính trong vụ tai nạn thương tâm mới đây là thuộc về lái xe ô tô 7 chỗ khi đã cố vượt xe container trong điều kiện không đảm bảo an toàn. Giá như, người lái xe ấy không vượt ẩu, không phóng quá nhanh, đã tìm hiểu kỹ về cung đường lạ…, điều mà anh ta có thể chủ động làm được!
Bản thân tôi và gia đình lái xe trên tuyến cao tốc này về quê, cũng đã phải trải qua những căng thẳng khi phải vừa tuân thủ đủ các loại biển báo quy định về tốc độ, dừng - đỗ, đoạn đường được vượt/cấm vượt…, lại vừa phải chủ động ứng phó khi không ít ô tô ở làn ngược chiều, đối diện với mình, chạy lấn làn, vượt ẩu, bất chấp các loại biển báo. Gặp những trường hợp ấy, thôi thì "tránh voi chả xấu mặt nào", tôi đành giảm tốc độ, nép sang lề phải cho an toàn và luôn tự nhủ mình, đã lái xe trên những con đường kiểu này, chỉ có “nhường, nhường và nhường”!
Khó có thể kể hết các kiểu vi phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ hiện nay, nguy hiểm nhất là chạy ngược chiều, lùi xe trên cao tốc, lái xe sau khi đã uống rượu bia hay sử dụng ma túy… Đó là những hành vi bị nghiêm cấm trong luật mà ai cũng biết.
Điều đó cho thấy, dù đường sá có đẹp, phương tiện có tốt đến mấy đi nữa mà người tham gia giao thông ý thức kém, không tự giác chấp hành quy định pháp luật về ATGT thì tai nạn vẫn cứ xảy ra. Thiệt hại về tài sản, đau thương mất mát về con người, tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội là điều không thể tránh khỏi.
25 năm trước! Mùa mưa lũ năm 1999!
Cả nước đã thực sự lo lắng khi đường về miền Trung nhiều đoạn ngập sâu, Quốc lộ 1A bị sạt trượt, đứt hẳn một đoạn mấy chục mét trên đèo Hải Vân khiến tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam bị ách tắc hoàn toàn.
Con đường được nối lại sau đó khoảng 1 tuần bằng một cây cầu sắt lắp ghép nhanh, đủ để các phương tiện “dò dẫm” đi qua. Lúc ấy người ta xem sáng kiến này như một kỳ tích.
Cú sạt trượt trên đèo Hải Vân năm ấy trở thành “dấu ấn một thời” khi đã khiến các nhà lãnh đạo đất nước “giật mình” về sự mong manh của Quốc lộ 1A - tuyến giao thông Bắc - Nam duy nhất trước yêu cầu phát triển của đất nước.
Giờ đây, năm 2024!
Chúng ta có đường Hồ Chí Minh hoàn thành kết nối từ Bắc chí Nam, hệ thống đường ven biển với nhiều cây cầu lớn được xây dựng, Quốc lộ 1A được đầu tư nâng cấp, mở rộng, hơn 1.900km đường cao tốc đã đi vào vận hành.
Năm 2025, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ hoàn thành.
Năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000km đường cao tốc.
Vui khi mỗi kilomet đường được mở ra, là thêm thuận lợi cho người dân đi lại, địa phương thêm cơ hội giao thương và không gian phát triển. "Đại lộ sinh đại phú" như người đứng đầu Chính phủ từng nói.
Đặc biệt hơn, khi hạ tầng giao thông dần hoàn thiện, việc tổ chức giao thông trở nên khoa học, tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm mạnh.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa công bố đầu tháng 1 năm nay cho biết, trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.067 vụ TNGT, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. So với năm 2022, số vụ giảm 1.285 vụ (-5,5%), giảm 1.922 người chết (-14,18%), tăng 660 người bị thương (+4,51%).
Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 21.880 vụ, làm chết 11.498 người, bị thương 15.255 người. So với năm trước, TNGT đường bộ giảm 1.292 vụ (-5.58%), giảm 1.891 người chết (-14,12%), tăng 657 người bị thương (+4,5%).
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - cơ quan thường trực về ATGT của Đại hội đồng Liên hợp quốc, công bố Báo cáo ATGT đường bộ toàn cầu 2023, cho biết, Việt Nam là 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ số người tử vong trên của Việt Nam đã giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).
Đó là một kết quả rất đáng ghi nhận. Nhưng không bao giờ chúng ta thỏa mãn.
Vì những vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra. Vì sinh mạng con người là thứ quý giá nhất, mất đi không bao giờ lấy lại được.
TNGT luôn tồn tại song hành trong quá trình phát triển, chỉ có thể hạn chế chứ khó có thể triệt tiêu hoàn toàn, nhất là với một đất nước vừa đi ra từ đói nghèo, hệ thống hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, người dân di chuyển chủ yếu bằng phương tiện cá nhân như Việt Nam.
Không một quốc gia nào có thể đạt được mức tuyệt đối: không để xảy ra vụ TNGT nào! Nhưng giảm thiểu số vụ TNGT, giảm thiểu tỷ lệ tử vong và mức độ bị thương là điều mà chúng ta có thể làm được.
Hành động trước mắt cần làm lúc này là nhanh chóng rà soát, khắc phục những bất cập trong việc tổ chức giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan nói riêng và hệ thống quốc lộ, cao tốc nói chung.
Đồng thời, cần một cách tư duy nghiêm túc, thiết thực hơn về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về ATGT cho người dân, để trên đường không còn những lái xe “mù luật”, thiếu tỉnh táo, thiếu kiên nhẫn nhưng lại thừa liều lĩnh, coi thường pháp luật và coi thường mạng sống con người.
Còn "hơn thua" là còn tai nạn!
Vân Thiêng