Còn hạn chế khi quảng cáo trên danh sách ‘nội dung sạch’

27/03/2023 20:00

Danh sách nội dung an toàn cho quảng cáo đáp ứng được nhu cầu xây dựng thương hiệu, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tạo ra lượt mua hàng khi quảng cáo trên mạng.

Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Việt Anh, quản lý một chuỗi nha khoa tại Hà Nội, cho biết từng mua quảng cáo trực tiếp từ 4 địa chỉ trong Danh sách nội dung đã được xác thực trên mạng sử dụng cho hoạt động quảng cáo, hay White List, mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) mới công bố. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể có thêm các lượt hiển thị tại các trang khác trong danh sách thông qua các dịch vụ quảng cáo trung gian.

“Những vị trí quảng cáo này gần như không tạo ra lượt chuyển đổi”, ông Việt Anh nói. Vị quản lý này cho biết thêm vẫn thường dành khoảng 15% ngân sách quảng cáo cho các địa chỉ có tên trong White List, với mục đích tạo nhận diện và niềm tin đối với thương hiệu, chứ không kỳ vọng tạo ra đơn hàng.

Thiếu gì trong White List?

Công bố Danh sách nội dung đã được xác thực là động thái mới nhất của Bộ TTTT trong việc ngăn chặn dòng tiền đổ về các nhà sản xuất nội dung bẩn. “Nhiều nội dung xấu độc kéo theo lượng người xem lớn và theo đó là tiền quảng cáo của doanh nghiệp, nhãn hàng. Điều này không công bằng với những người làm nội dung tử tế”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết khi giới thiệu về danh sách này vào cuối năm 2022.

quang cao anh 1
Mạng xã hội vẫn là kênh chính để bán hàng, tương tác với khách hàng của nhiều doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: CNN.

"Chúng tôi chờ đợi danh sách này từ lâu”, ông Nguyễn Quốc Hưng, CGO tại công ty truyền thông Tonkin Media, nói với Zing. Tương tự, ông Nguyễn Anh Đức, chuyên gia về quảng cáo trực tuyến tại một công ty truyền thông top 3 thị phần tại Việt Nam, cho biết đã xem danh sách ngay khi vừa công bố chính thức.

Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn, ông Anh Đức cho biết có 2 mục đích chính mà các nhãn hàng có thể quan tâm trong một chiến dịch quảng cáo, thứ nhất là các yếu tố liên quan đến nhận diện thương hiệu và thứ hai là các yếu tố liên quan đến doanh số bán hàng. Các đầu mục hiện có trên White List chủ yếu đáp ứng mục đích thứ nhất.

“Với các nhãn hàng FMCG, tập đoàn lớn hoặc kinh doanh các sản phẩm như bất động sản hay xe hơi, họ có thể dành đến 80% ngân sách chiến dịch cho mục đích nhận diện thương hiệu và chi tiêu ngân sách này cho các trang uy tín cao có trong White List”, ông Anh Đức cho biết. Tuy nhiên, phân bổ ngân sách quảng cáo sẽ ngược lại với các nhãn hàng nhỏ hơn, phần lớn dành cho quảng cáo trên các trang mạng xã hội như phổ biến để tạo ra lượt mua hàng.

Doanh nghiệp nhỏ chờ đợi danh sách “rộng” hơn

Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng tuy danh sách hiện đã bao gồm hơn 2.500 đầu mục, nhưng lựa chọn chính cho các nhãn hàng lớn vẫn sẽ là các trang lưu lượng cao nhất và có thương hiệu trong ngành. Trong khi đó, các blog, trang cá nhân, vị trí hiển thị quảng cáo mà các nhãn hàng nhỏ hơn có thể quan tâm, thì chưa xuất hiện.

quang cao anh 2
Bị gắn vào nội dung bẩn không phải mối quan tâm lớn nhất của nhiều doanh nghiệp khi quảng cáo, thay vào đó là vấn đề chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu về. Ảnh: H.N.

“Với các đầu mục hiện có, White List chủ yếu phục vụ mục tiêu xây dựng thương hiệu, với nhóm khách hàng của chúng tôi là các doanh nghiệp nhỏ, khách hàng buộc phải ‘chắt bóp’ hơn và tập trung vào các mục tiêu thương mại trong khi an toàn thương hiệu chưa phải nguy cơ quá lớn”, ông Nguyễn Tính, Giám đốc một đại lý quảng cáo tại Hà Nội, nói với Zing.

Tương tự, ông Việt Anh cho biết vẫn tập trung phần lớn ngân sách quảng cáo vào các trang mạng xã hội để tạo ra lượt mua hàng, sử dụng dịch vụ. “Một thương hiệu lớn hơn có thể cần thận trọng hơn, nhưng chúng tôi không quá lo ngại về nội dung khi mục tiêu chính là nhắc khách sử dụng dịch vụ”, vị quản lý cho biết.

“Khả năng đáp ứng nhu cầu quảng cáo của White List là thấp, vì nhiều lý do. Tuy nhiên chúng tôi hoan nghênh việc có một danh sách chính thức, và danh sách luôn được cập nhật nên tôi cho rằng sẽ cải thiện nhanh chóng”, ông Quốc Hưng đánh giá.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Còn hạn chế khi quảng cáo trên danh sách ‘nội dung sạch’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO