Cỏ là sinh vật ngoan cường nhất trên đời. Thi sĩ Bạch Cư Dị từng có câu thơ "Dã hỏa thiêu bất tận/ Xuân phong xuy hựu sinh" (Lửa đồng đốt không cháy. Gió Xuân tới lại sinh) để nói về sự bất diệt của cỏ dại. Dù có sức sống ngoan cường như vậy nhưng ở Trung Quốc có một con đường cỏ dại không thể tồn tại. Con đường này đã được Tần Thủy Hoàng xây dựng từ hơn 2.000 năm trước. Vậy nơi này có điều gì kỳ lạ mà cỏ không thể mọc, ngàn năm không bén rễ?
Tần Thủy Hoàng sinh năm 259 trước Công Nguyên tại Hàm Đan, nước Triệu. Sở dĩ ông không sinh ra tại nước Tần bởi bố ông, Tần Trang Vương Doanh Dị Nhân bị đưa đến nước Triệu làm con tin. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, việc các quốc vương gửi con trai của họ đến nước khác để đôi bên tin tưởng lẫn nhau là điều phổ biến.
Khi Tần Thủy Hoàng lên 3 tuổi, Tần và Triệu phản nhau. Nước Triệu muốn giết Doanh Dị Nhân nên ông không kịp mang theo vợ con mà một mình chạy trốn về nước. Đến năm 251 TCN, vua nước Tần băng hà, Thái tử Doanh Trụ lên ngôi, lập Hoa Dương phu nhân làm Vương hậu. Dị Nhân là con nuôi của Vương hậu nên được lập làm thái tử.
3 ngày sau đó, tân vương băng hà, Dị Nhân lên nối ngôi trở thành Tần Trang Vương. Ông tôn đích mẫu Hoa Dương hậu làm Hoa Dương Thái hậu, sinh mẫu Hạ Cơ là Hạ Thái hậu, lập Triệu Cơ (mẹ Tần Thủy Hoàng) làm hậu, Doanh Chính làm thái tử. Để xoa dịu quan hệ, nước Triệu đã đưa Tần Thủy Hoàng và mẹ ông về nước. Năm 247 TCN, Tần Trang Vương qua đời, Tần Thủy Hoàng 13 tuổi lên làm vua.
Trong thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc, các lãnh chúa phong kiến không ngừng tranh giành quyền bá chủ. Người dân đã chán ngấy chiến tranh kéo dài nhiều năm và cần một người chấm dứt cuộc chiến đó, thống nhất thiên hạ. Trong 7 anh hùng thời Chiến Quốc, Tần là nước chư hầu hùng mạnh nhất do thực hiện Cải cách Thương Ưởng, đặt nền móng để Tần Thủy Hoàng bình định 6 nước.
Tuy quét sạch được 6 nước chư hầu nhưng Tần Thủy Hoàng không diệt được tộc Hung Nô du mục phía Bắc. Hung Nô luôn để mắt đến vùng đất màu mỡ ở Trung Nguyên, lúc này, Tần Thủy Hoàng sai người xây dựng Vạn Lý Trường Thành để ngăn giặc. Nhưng, nếu Vạn Lý Trường Thành không thể chống lại Hung Nô, nhà Tần cần có một con đường để nhanh chóng hỗ trợ tiền tuyến, vì vậy, ông nảy ra ý tưởng xây dựng con đường Tần Chí.
Năm 212, Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho Mông Điềm xây dựng tuyến đường quan trọng này. Tần Chí được coi là cao tốc đầu tiên tại Trung Quốc, giúp binh mã Hàm Dương có thể xông tới chân Vạn Lý Trường Thành chỉ trong 3 ngày 3 đêm. Để hoàn thành con đường này, Tần Thủy Hoàng đã triệu tập 300.000 người, làm việc quần quật ngày đêm.
Chỉ trong 2 năm, đường Tần Chí hoàn thành, kéo dài hơn 700 km, bắt đầu từ Hàm Dương, trải dài từ tỉnh Thiểm Tây phía nam đến Cửu Nguyên, Bao Đầu thuộc khu tự trị Nội Mông ở phía bắc Trung Quốc. Con đường đi qua 14 quận ở giữa với chiều rộng trung bình 30 m. Người Hung Nô khi biết sự tồn tại của con đường này đã không dám đi về phía nam.
Do thời gian tồn tại của nhà Tần ngắn ngủi, chỉ trong 14 năm đã bị nhà Hán tiêu diệt nên rất nhiều cơ sở vật chất đều đã rơi trọn vào tay nhà Hán, trong đó có đường Tần Chí. Điều mà người đời sau không ngờ đến là đường Tần Chí quanh năm không mọc cỏ, khiến hậu thế cũng hết sức kinh ngạc. Sau khi đào lên và nghiên cứu đất ở đó, người ta mới tìm ra nguyên nhân thật sự.
Đất dùng để xây dựng đường Tần Chí không phải đất bình thường. Khi ra lệnh cho thợ thủ công làm đường, tướng Mông Điềm đã đưa một cái nồi lớn đến 2 bên đường, thêm muối và kiềm vào đất, khuấy đều, nung lên. Đất sau khi nung được dùng để trải đường, rồi dùng vật nặng lăn qua lăn lại. Đường Tần Chí sau đó cứng đến mức ngay cả hạt cỏ cũng không thể đâm xuống. Đất trộn với muối và kiềm khiến không loại thực vật hay cỏ dại nào sống được. Chính vì vậy mà đường Tần Chí không có cỏ mọc trong hàng ngàn năm.
Dù nhà Tần tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng những thứ như đường Tần Chí, tiền tệ văn bản thống nhất và hệ thống quận huyện vẫn phát huy tác dụng cho đến ngày nay. Đó là nền văn hóa huy hoàng mà Tần Thủy Hoàng để lại cho người dân Trung Quốc.
Nguồn: EVA