Con đường đột phá công nghệ của Trung Quốc

21/05/2022 12:41

Suốt nhiều thập kỷ, nhiều người Mỹ chế nhạo Trung Quốc là một quốc gia bắt chước, không có khả năng sáng tạo, chưa nói đến sự đổi mới mang tính đột phá.

Song, vài năm qua, câu chuyện thay đổi và mọi tự mãn về ưu thế công nghệ của Mỹ đã tan biến.

Nhiều bài xã luận kinh doanh từng tin Trung Quốc dường như không có khả năng đổi mới đã nhường chỗ cho những bài phân tích, đánh giá cảnh báo rằng nước này đã sẵn sàng vượt Mỹ về các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G.

Sản xuất chất bán dẫn ở Hoài An, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Giới hoạch định chính sách ở Washington, những người từ lâu đã bằng lòng giao phó vấn đề công nghệ cho Thung lũng Silicon, đang chạy đua để tìm cách tăng cường năng lực công nghệ của Mỹ cũng như chống lại sự tiến bộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đưa ra chính sách công nghệ hiệu quả đòi hỏi sự hiểu biết rõ ràng về cách cả hai quốc gia đã phát triển đến hiện tại ra sao và điều đó có nghĩa gì trong tương lai.

Những lý giải truyền thống cho sự trỗi dậy của Trung Quốc tập trung nhiều vào cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Trên thực tế, quan niệm sai lầm đó khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ tin, tất cả những gì cần thiết để duy trì lợi thế công nghệ của xứ sở cờ hoa là cắt đứt khả năng tiếp cận của đại lục đối với các công nghệ mới nổi.

Nguồn gốc thành công trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc phức tạp hơn. Việc xây dựng chính sách phản ứng hiệu quả của Mỹ đòi hỏi nắm chắc các công nghệ mới nổi và hiểu cách quan chức Trung Quốc đầy tham vọng có thể nhìn nhận sự đổi mới, phạm vi các công cụ có sẵn để khuyến khích chúng như thế nào.

Sự can thiệp của nhà nước

Tạp chí Foreign Affairs cho rằng, bất kỳ sự đổi mới nào của riêng Trung Quốc đều là sản phẩm tư duy sáng tạo của các nhà công nghệ chăm chỉ. Ở cấp độ vi mô, những quy trình đổi mới này ở đại lục cũng giống như ở mọi nơi khác. Nhưng, lý giải sự trỗi dậy công nghệ ở cấp độ vĩ mô đòi hỏi phải hiểu rõ các bước mà Bắc Kinh đã thực hiện để khuyến khích sự phát triển của một trong những hệ sinh thái đổi mới năng động nhất thế giới.

Theo quan điểm của Trung Quốc, đổi mới không phải là một nỗ lực tinh vi hay bí ẩn mà chỉ những người đặc biệt mới có thể thực hiện được, và nó chắc chắn không phải là thứ phải được che chắn khỏi sự can thiệp của chính phủ. Thay vào đó, đổi mới được xem như một quá trình kinh tế - xã hội, có thể được hướng dẫn và thúc đẩy với sự kết hợp phù hợp của các nguồn lực vật chất và nghị quyết của chính quyền.

Mặc dù cách tiếp cận của Trung Quốc mâu thuẫn với những giả định "ăn sâu, bám rễ" của Thung lũng Silicon về sự cần thiết của thị trường tự do, nhưng cách tiếp cận đó đã thu được nhiều tiến bộ công nghệ và thành công thương mại hơn hầu hết các chuyên gia Mỹ dự đoán.

Ở Trung Quốc, quá trình đó bao gồm 3 bước quan trọng:

Bước đầu tiên diễn ra từ năm 2000-2010, giai đoạn để tạo ra một thị trường bán bảo hộ rộng lớn. Việc nuôi dưỡng một hệ sinh thái đổi mới non trẻ đòi hỏi các thị trường phải đủ sinh lợi để thúc đẩy sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng cũng đòi hỏi được bảo vệ ở một mức độ nào đó để các công ty khởi nghiệp lâu đời của Thung lũng Silicon không "nhảy vào" và thiêu rụi các công ty khởi nghiệp địa phương trước khi họ có thể vững vàng tiến lên.

Trung Quốc đạt được sự cân bằng này bằng cách kết hợp nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế chóng mặt với việc tạo ra Đại tường lửa, ngăn chặn quyền tiếp cận vào các nền tảng trực tuyến hàng đầu của nước ngoài như Facebook và Google.

Triển vọng giành được thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc đã thu hút các khoản rót vốn đầu tư lớn từ nước ngoài và thúc đẩy sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng tường lửa cũng giúp các công ty khởi nghiệp trong nước chiến đấu chống lại đối thủ ngoại.

Điều quan trọng là, Đại tường lửa không bao giờ là một tảng đá vững chắc. Trong gần 2 thập kỷ qua, tường lửa luôn giúp cách ly thị trường Trung Quốc khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài nhưng không bao giờ cô lập nó hoàn toàn khỏi những ý tưởng mới.

Google, Facebook và Twitter đã cạnh tranh ở Trung Quốc trong nhiều năm trước khi bị chặn. Các nền tảng tiêu dùng ít nhạy cảm hơn về mặt chính trị như Airbnb, Uber, Amazon và LinkedIn chưa từng bị chặn hoàn toàn. Thay vào đó, họ bị đánh bại bởi các công ty khởi nghiệp nội địa.

Tính chất linh hoạt của Đại tường lửa cho phép các doanh nhân, kỹ sư và nhà khoa học Trung Quốc cập nhật sản phẩm và xu hướng công nghệ hàng đầu mà không để những sản phẩm đó thống trị thị trường đại lục. Đồng thời, quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc khiến các công ty công nghệ nước ngoài phải hành xử tốt nhất khi tương tác với chính quyền địa phương, với hy vọng một ngày nào đó sẽ tiếp cận với 1 tỷ khách hàng mới.

Sự cộng tác Mỹ - Trung

Những mối quan hệ đó không thể thiếu đối với bước thứ hai và gây tranh cãi nhất trong quá trình này.

Suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ khoa học và thương mại với các công ty, trường đại học và phòng thí nghiệm hàng đầu của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Đối tác bao gồm từ giáo sư tại các trường đại học Mỹ hợp tác với đồng nghiệp Trung Quốc về nghiên cứu AI công cho đến những nhà đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon.

Những người chỉ trích có xu hướng coi các mối quan hệ này như thứ trung gian cho hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ, cho phép gián điệp Trung Quốc đánh cắp những viên ngọc quý của sự đổi mới Mỹ như đã nêu trong một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2018.

Gián điệp công nghiệp và khoa học từng là một vấn đề lớn, nhưng tác động lớn nhất của những mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương này không đến từ việc ăn cắp, mà là từ việc học hỏi. Tiếp xúc các quy trình đổi mới đẳng cấp thế giới đã mang lại cho Trung Quốc nguồn nuôi dưỡng trí tuệ - những ý tưởng, phương pháp hay nhất và mô hình hoạt động mà họ cần để khơi dậy hệ sinh thái công nghệ non trẻ của mình.

Bắt đầu từ khoảng năm 2008, các kỹ sư Trung Quốc từng làm việc tại Google đã bắt đầu trở về nước để thành lập công ty khởi nghiệp, mang theo một số nét văn hóa của Thung lũng Silicon.

Các nhà nghiên cứu tại những trường đại học Trung Quốc bắt đầu hợp tác nhiều hơn với đồng nghiệp ở nước ngoài. Điều này giúp họ có cách tiếp cận mới. Một số hãng công nghệ Trung Quốc đã nghiên cứu những đối thủ cạnh tranh ở Mỹ và châu Âu, tiếp thu xu hướng công nghệ mới nhất và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh trong nước.

Hầu hết mối tương tác này là từ dưới lên, được thúc đẩy bởi các nhà công nghệ ở cả hai quốc gia, những người muốn hợp tác và học hỏi lẫn nhau.

Song, chính phủ Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ này. Họ thúc đẩy sự hợp tác học thuật nhiều hơn và mời gọi các hãng công nghệ Mỹ tiếp cận thị trường, khuyến khích mở trung tâm nghiên cứu ở đại lục.

* Kỳ tới: Làn sóng thử nghiệm và tham vọng công nghệ của Trung Quốc

Quỳnh Anh

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Con đường đột phá công nghệ của Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO