Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, ít gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên thủy đậu ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trường hợp trẻ dưới 1 tháng tuổi bị thủy đậu lại vô cùng nguy hiểm, do sức đề kháng của trẻ còn yếu, bệnh lây lan nhanh dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Hiện nay, dịch bệnh đang có nguy cơ tăng cao, lây lan nhanh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vì vậy khi có các dấu hiệu dưới đây, bố mẹ lập tức cho con đi khám vì bé có nguy cơ bị mắc thuỷ đậu.
- Sốt, mệt mỏi, nhức đầu.
- Đau cơ, chán ăn, nôn ói.
- Phát ban đỏ có đường kính vài milimet từ 24 – 48 giờ. Ban đỏ sau đó có thể chuyển thành mụn nước hình tròn, đường kính 1-3mm, chứa chất dịch bên trong.
- Viêm họng và nổi hạch sau tai.
Các dấu hiệu nhận biết của bệnh thủy đậu ở giai đoạn khởi đầu rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Vì vậy, nếu thấy nghi ngờ, mẹ nên thăm khám càng sớm càng tốt, nhất là trong mùa dịch khi cơ thể có những dấu hiệu này để xác định chính xác nguyên nhân và có cách chăm sóc, điều trị phù hợp.
Sau giai đoạn ủ bệnh và khởi phát trên sẽ là giai đoạn toàn phát. Cụ thể, các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ràng và nặng hơn, các nốt ban đỏ trở thành mụn nước lan khắp toàn thân. Đây là lúc dấu hiệu bị thủy đậu trở nên rõ ràng nhất. Các mụn nước có quầng đỏ xung quanh này gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Trẻ bị thủy đậu hay gãi càng khiến mụn nước dễ nhiễm trùng và lây lan.
Sau 7 - 10 ngày, các mụn nước sẽ bị vỡ, khi được chăm sóc đúng cách sẽ dần khô lại và đóng vảy, lớp da non thay thế dần được tái tạo. Việc các nốt thủy đậu ở trẻ em có để lại sẹo lõm hay không cũng phụ thuộc vào quá trình chăm sóc này và cả cơ địa của người bệnh.
Bệnh thủy đậu lây lan ở trẻ thế nào?
Bệnh thủy đậu có thể xảy ra đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Từ 1 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh thủy đậu, trẻ vẫn ổn trước khi cảm thấy bị bệnh.
Trước khi có dấu hiệu bị bệnh từ 1 ngày đến sau khi xuất hiện phát ban trên da khoảng 5 ngày là thời điểm trẻ em có thể lây virus qua các con đường chính như sau:
- Trẻ tiếp xúc với người bị bệnh thủy đậu.
- Hít thở không khí từ người bị bệnh khi hắt hơi hoặc ho.
- Tiếp xúc với chất lỏng từ mắt, mũi hoặc miệng của trẻ bị nhiễm trùng.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Đừng chủ quan với bệnh thủy đậu ở trẻ em vì bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng, nguy hiểm nhất là ảnh hưởng tới tính mạng. Điển hình nhất là các biến chứng sau đây: Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát; zona thần kinh; Viêm thanh quản; Viêm tai ngoài, tai giữa; Viêm võng mạc...
Dấu hiệu trẻ sắp khỏi thuỷ đậu
Việc nhận biết các dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu giúp người bệnh có các biện pháp chăm sóc phù hợp, tránh tình trạng bệnh dây dưa kéo dài không lành hẳn hoặc để lại sẹo trên da. Các dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu bao gồm:
- Các mụn mủ bắt đầu vỡ ra, khô lại rồi đóng vảy. Chu kỳ này lặp đi lặp lại liên tục trong 5-7 ngày rồi ngưng hẳn, tất cả mụn nước khô lại, đóng vảy rồi bong ra mà không hề xuất hiện thêm mụn nước mới nào;
- Người bệnh không còn cảm giác ngứa ngáy, đau rát và không xuất hiện tình trạng nóng lạnh thất thường, phát sốt;
- Dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu rõ nhất là các mụn nước se lại thành những chấm đen, khô đặc; da bước đầu bước vào giai đoạn hồi phục và tái tạo, có cảm giác hơi ngứa vì các vùng da đóng vảy kéo da non.
Hơn 90% những người đã tiêm phòng thủy đậu sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. 10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), và thường là không bị biến chứng.
Từ con số cụ thể này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo đối với thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất.
Riêng phụ nữ trong thời kỳ mang thai không được tiêm vắc xin này. Vì thế, khi có kế hoạch sinh con, phụ nữ nên chủ động tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai tối thiểu 1 tháng để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con.
Theo PNVN